Đạo đức kinh doanh

Việc chủ một doanh nghiệp thừa nhận và xin lỗi khách hàng vì đã làm ăn gian dối, nhập hàng nước ngoài rồi gắn mác thương hiệu của mình để bán cho người tiêu dùng với giá cao đang gây xôn xao dư luận. Vụ việc không chỉ làm mất giá trị thương hiệu này mà còn ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp, hàng Việt Nam đối với thị trường. Đây cũng là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp của nước ta trong xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp.

Những năm qua, nhất là trong năm Kỷ cương hành chính 2017, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thành phố tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, phát triển thị trường giữa các địa phương. Những chương trình giới thiệu, ưu tiên dùng hàng Việt Nam được quan tâm quảng bá, tổ chức tiêu thụ ở các khu công nghiệp, nơi tập trung dân cư, vùng nông thôn. Người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng mua hàng Việt với chất lượng sản phẩm được bảo đảm, rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo đà phát triển.

Doanh nghiệp của Thủ đô cần tranh thủ những điều kiện, yếu tố này, để đổi mới, xây dựng thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển gắn với thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đơn vị, xây dựng thương hiệu uy tín, phát triển bền vững. Niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng tạo nên giá trị cốt lõi của thương hiệu, doanh nghiệp. Để tạo niềm tin, bảo vệ, giữ gìn uy tín, doanh nghiệp phải hết sức coi trọng xây dựng, thực hiện đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Đi liền với đó là tính trung thực và thực hiện minh bạch. Những kiểu làm ăn gian dối, lừa người tiêu dùng, trước sau cũng bị lộ diện, nhất là trong môi trường cạnh tranh, với các thông tin nhanh nhạy như hiện nay. Khi khách hàng mất niềm tin, quay lưng, tẩy chay sản phẩm, doanh nghiệp khó có thể phát triển ổn định, bền vững. Ở khía cạnh đạo đức, người kinh doanh đã xúc phạm đến tình cảm, niềm tự hào, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người tiêu dùng. Xây dựng, giữ gìn đạo đức văn minh, văn hóa ứng xử chuẩn mực của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh là việc không dễ dàng nhưng không thể không làm vì sự phát triển tất yếu của thị trường, xã hội. Mặt khác trung thực trong kinh doanh cũng là sự thể hiện đạo đức của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đối với sự chăm lo, hỗ trợ của thành phố, sự ủng hộ của người dân.