Đến thời điểm này, Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học (TTHĐVH-KH) Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp và Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat triển khai đã hoạt động được tròn một tháng. Do dịch Covid-19 cho nên các hoạt động của dự án chủ yếu diễn ra bằng hoạt động truyền thông trên fanpage, với các thông tin về lịch sử, văn hóa, đạo học hay một số mini game… Hiện fanpage đã thu hút gần 2.000 thành viên. Các thông tin được truyền tải bằng văn phong, hình ảnh trẻ trung, ngắn gọn, dễ tiếp cận với các bạn trẻ. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai không gian, một là Văn Miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiên thánh, tiên hiền, hai là Quốc Tử Giám vốn là trường học xây dựng dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Qua nghìn năm lịch sử, đây không chỉ là nơi bồi dưỡng nhân tài, mà còn là chứng nhân cho lịch sử đạo học của người Việt. Trường Giám xưa không còn. Nhưng, những giá trị của Quốc Tử Giám không thể phủ nhận. Ngôi trường Quốc Tử Giám trước dạy người nhân nghĩa, sau đào tạo hiền tài để phụng sự, dựng nước giúp đời. Đây chính là lý do dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” ra đời, nhằm từng bước đánh thức, sống dậy “phong khí” của Trường Quốc Tử Giám xưa, truyền tải đến thế hệ trẻ và giúp các bạn trẻ khơi dậy tình yêu với lịch sử, văn hóa.
Dự án “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” là một trong nhiều hoạt động của TTHĐVH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai trong thời gian gần đây. Giám đốc TTHĐVH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Chúng tôi luôn suy nghĩ về việc làm thế nào để người dân có thể đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám một cách thường xuyên, như một không gian văn hóa, thay vì chỉ đến như một khách tham quan, hay chỉ đến để lễ bái. Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn rất nhiều tiềm năng cả về giá trị vật thể và phi vật thể. Đổi mới hoạt động để di tích hấp dẫn hơn, sống động hơn là cần thiết, nhưng cũng phải có nguyên tắc. Di sản có giá trị lớn nhưng cần thay đổi phương pháp truyền tải, phương pháp tiếp cận”. Đại diện dự án Gavisto Diplomat Hoàng Đoan Trang, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, “Không gian văn hóa Quốc Tử Giám” sẽ có nhiều hoạt động để đưa di tích thành một không gian mở, nơi sinh hoạt của những người yêu di sản. Chúng tôi sẽ tổ chức chuỗi buổi nói chuyện về khoa bảng Việt Nam, những người trưởng thành từ Văn Miếu có đóng góp gì cho xã hội; sự cần thiết của nền tảng văn hóa truyền thống khi Việt Nam hội nhập...”.
Cố vấn hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Trương Quốc Toàn cũng cho rằng: “Cần phải có các hoạt động để người ta đến rồi quay lại, với mục đích tham gia các hoạt động như tọa đàm, giao lưu văn hóa, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật… Nỗ lực giữ chân các vị khách phải thực hiện ở cả ba giai đoạn: Trước khi vào di tích họ cần được cung cấp thông tin, vào di tích xem cái gì, khi rời khỏi thì họ đọng lại cái gì. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa để đáp ứng nhiều nhu cầu. Tuy nhiên, muốn thành công, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 30%. Vấn đề nội dung, cách thức truyền tải, giới thiệu chiếm 70%. Thí dụ như khi khách thấy tấm bia đá, chúng ta phải có câu chuyện để kể về những tiến sĩ đã được vinh danh trên bia đá đó”.
Thời gian qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa. Những mùa hè trước khi có dịch Covid-19, không gian hồ Văn được bố trí thành không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho trẻ em, với chương trình “Sĩ tử - chắp cánh ước mơ”; cuộc thi sáng tác ký họa về Văn Miếu - Quốc Tử Giám; cuộc thi sáng tác về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân văn hóa, nhà giáo Chu Văn An… Hiện tại, TTHĐVH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang chuẩn bị triển khai dự án tu bổ hồ Văn. Sau khi hoàn thành, không gian hồ Văn, gò Kim Châu sẽ được sử dụng để tổ chức các hoạt động văn hóa, nhất là các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ngoài ra, TTHĐVH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang triển khai các hoạt động để tổ chức tua du lịch đêm.