Đan Phượng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đan Phượng là địa phương đầu tiên của Thủ đô được công nhận huyện nông thôn mới. Từ nền tảng đó, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Công nhân Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam chăm sóc hoa lan hồ điệp.
Công nhân Hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam chăm sóc hoa lan hồ điệp.

Tăng thu nhập nhờ trồng hoa, cây ăn quả

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Đến nay, huyện chuyển đổi 1.220,9 ha, trong đó có 452,3 ha trồng hoa, 171 ha trồng rau, 202,4 ha trồng cây ăn quả... Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho thu nhập khá, đạt từ 230 triệu đến 370 triệu đồng/năm, tăng từ ba đến bảy lần so với trồng lúa. Những hộ trồng hoa ly cho thu nhập bình quân gần một tỷ đồng/ha/vụ, do người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như lợp màng - lưới, xử lý đất, hệ thống tưới phun tự động, kho lạnh bảo quản giống, sơ chế hoa thương phẩm... Nhiều hộ chuyển sang trồng hoa cao cấp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung (xã Phương Đình) đầu tư xây dựng ba dãy nhà kính, màng, diện tích gần 17 m2 sản xuất giống hoa và 200 nghìn cây hoa thương phẩm lan Hồ điệp, mỗi năm thu lãi từ 3,6 tỷ đến bốn tỷ đồng. Dự án sản xuất giống, hoa thương phẩm lan Hồ điệp của hợp tác xã Đan Hoài - Flora Việt Nam (xã Đan Phượng), có bảy dãy nhà màng lưới, sản xuất 50 nghìn cây giống và 20 nghìn cây thương phẩm, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng/năm. Hai cơ sở này đều ứng dụng CNC đồng bộ (giống mới, sử dụng các chế phẩm sinh học, điều tiết ánh sáng, có hệ thống tự điều hòa nhiệt độ), quy trình sản xuất được thực hiện khép kín. Các mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khoảng năm triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Xuân Phong, phụ trách kỹ thuật trồng lan ở hợp tác xã Đan Hoài bộc bạch: Nghề này cũng đòi hỏi nhiều công phu. Từ khi ươm giống, đến khi cây lớn trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật từ phòng nuôi cấy mô, nhà màng lưới, nhà kính. Trước khi xuất ra thị trường khoảng hai tháng, cây lan cần được chăm sóc trong nhà màng với nhiệt độ từ 18 đến 22 độ C mới bảo đảm sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp. Nếu thời tiết thuận lợi có thể duy trì hoa tươi trong ba tháng. Do đã có thương hiệu, cho nên vào dịp cuối năm, nhiều nơi đã đặt lấy hàng trước, nhiều khi không còn hoa lan để bán lẻ.

Ngoài trồng lan, hiện nay một số hộ đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất rau an toàn, dưa lưới, trồng rau thủy canh có ứng dụng tưới phun tự động… với tổng diện tích 4.380 m2 ở các xã: Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An, Song Phượng; trồng ngô biến đổi gien (10 ha) tại xã Trung Châu. Ông Phan Văn Hòa (xã Thượng Mỗ), một nông dân đã gắn bó với cây bưởi hơn mười năm chia sẻ: Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp về kỹ thuật, cách chăm sóc, giờ bưởi tôm vàng chúng tôi trồng quả sai, ngọt. Với giá từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/quả, năm 2016 nhà tôi trồng 130 cây trên diện tích 1.800 m2, lãi 190 triệu đồng; năm nay quả đều, chắc chắn thu lãi hơn năm ngoái. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ Nguyễn Duy Minh, hiện tại, người dân trong xã trồng 80 ha bưởi tôm vàng, đều ứng dụng CNC, sử dụng phân bón mới và bao quả, thu hoạch tốt, được giá, cho nên nhiều hộ đã tăng thu nhập nhiều.

Mở rộng đầu tư công nghệ cao

Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã giúp không ít gia đình ở Đan Phượng vươn lên làm giàu. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần được tháo gỡ. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC toàn phần do yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ, hệ thống nhà vườn phải được đầu tư bài bản, cần vốn lớn và lao động trình độ kỹ thuật cao nên nhiều doanh nghiệp và người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Mặt khác, hiện nay giá thuê đất tương đối cao, việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo UBND thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập khu nông nghiệp CNC với diện tích 9,44 ha tại xã Song Phượng; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố; thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;…

Với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân Đan Phượng sẽ có thêm nhiều cơ hội ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và góp phần phát triển bền vững nông thôn mới.