Thời gian qua, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh thông qua các chương trình công tác để triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU do Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra những giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Nghị quyết 18 ra đời đã thật sự tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thủ đô. Toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình.
Ghi nhận những nền tảng mà Hà Nội đã xây dựng được cho đô thị thông minh, bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024 do Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) công bố đã đánh giá Hà Nội là một trong 100 thành phố thông minh nhất thế giới. Việt Nam có hai thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh góp mặt trong bảng xếp hạng, trong đó Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97 (tăng 3 bậc so với năm 2023).
Theo đánh giá của các chuyên gia, xây dựng đô thị thông minh không chỉ chú trọng công nghệ, mà cần có tư duy xây dựng chính sách, tạo dựng thể chế chính sách về quản trị cho đô thị, định hình chính sách để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh. Một vấn đề rất quan trọng là đô thị thông minh phải đào tạo các công dân thông minh, đào tạo kỹ năng số cho người dân, vận hành hệ thống đô thị đó.
Thực tiễn cho thấy, trong đầu tư phát triển đô thị, ngoài nguồn lực dẫn dắt của Nhà nước, nguồn lực của tư nhân, nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp, rất quan trọng cho thúc đẩy phát triển các đô thị mới, cũng như tái thiết đô thị. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống các đô thị mới, hiện đại, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn đô thị xanh và thông minh. Với các địa phương, phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Như vậy, có thể thấy thành phố đã rất nỗ lực, song cũng vẫn còn nhiều việc phải làm để thật sự trở thành một đô thị thông minh. Các điều kiện cần và đủ sẽ được tiếp tục hoàn thiện thông qua các chính sách không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, mà còn được gắn với quá trình xác lập quy hoạch, phát triển đô thị của thành phố. Trong Thông báo số 414/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hà Nội lựa chọn hai, ba khu đô thị mới trên địa bàn để thực hiện việc thí điểm phát triển đô thị thông minh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan nghiên cứu đề xuất của Hà Nội để tham mưu, đề xuất theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời hướng dẫn thành phố các nội dung có liên quan về tiêu chuẩn, tiêu chí xác định đô thị thông minh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thành phố Hà Nội các nội dung có liên quan về cơ chế đầu tư.