Rèn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm

Hành động dũng cảm của đồng chí Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai một mình cứu sống bốn thanh niên đang có nguy cơ tử nạn vì đuối nước trên bãi biển thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa qua đã nhanh chóng nhận được sự khen ngợi và khâm phục của dư luận xã hội. Tuy nhiên từ vụ việc nêu trên cũng đã đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm.

Năm nay, mới vào đầu mùa mưa và chưa tới dịp nghỉ hè nhưng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm tại nhiều địa phương, nhất là ở phía nam.

Thông tin từ một báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em chết do đuối nước. Tỷ lệ này tuy giảm trong các năm gần đây, song tai nạn đuối nước tại Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Trong số này, 53% trường hợp chết đuối khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn. 

Hậu quả về cháy, nổ cũng gây nhiều quan ngại. Tại thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước, vẫn chưa có giải pháp căn cơ trong việc trang bị kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn ở các tòa nhà cao tầng lẫn nhà trong khu dân cư đơn lẻ. Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, hiện, thành phố có hơn 300.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ở các khu dân cư. Các vụ cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (hơn 50%) và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Riêng các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người. 

Đáng báo động hơn, nhiều chủ hộ hiện đều ít quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Các vụ cháy với số lượng người chết rất lớn xảy ra liên tiếp gần đây để lại những bài học kinh nghiệm, những hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, chữa cháy lẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra sự cố. 

Các chuyên gia, cơ quan chức năng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhấn mạnh kỹ năng sinh tồn lúc xảy ra tai nạn, nhất là đối với các em nhỏ. Để mỗi người, nhất là trẻ em, ý thức được vấn đề này, gia đình, nhà trường và xã hội cần chú trọng đào tạo kỹ năng này song song với kiến thức văn hóa. Mọi cơ quan, đơn vị chức năng cần chú trọng, chủ động, tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng phó nguy hiểm đến từng cá nhân. 

Là kỹ năng thì cần được lặp lại thường xuyên để tạo thành phản xạ tự nhiên của từng người. Bên cạnh đó, vấn đề “phòng cháy hơn chữa cháy” cũng cần được các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý triệt để hơn; trong đó, các quy chuẩn, quy định trong xây dựng nhà ở cần phải được thực hiện quyết liệt và có chế tài, xử lý mạnh đối với các trường hợp vi phạm. 

Quay lại với câu chuyện của anh Thái Ngô Hiếu. Rất may thời điểm đó, một người được huấn luyện chuyên nghiệp về cứu hộ, cứu nạn như anh Hiếu đã kịp thời có mặt. Nếu không hậu quả chắc sẽ rất thương tâm. Chưa kể, nếu các thanh niên được trang bị và thực hành thành thạo kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm thì có thể họ đã tự cứu mình trước khi nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài.