Phát triển giao thông xanh bền vững

Cùng với việc chính thức mở cửa, đưa mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động thử nghiệm hai loại hình giao thông công cộng từ tháng 12/2021, không chỉ giúp kích hoạt du lịch thành phố mà còn xây dựng một nét giao thông thân thiện, giao thông xanh.

Giữa tháng 12/2021, 43 trạm xe đạp công cộng trên địa bàn Quận 1 chính thức đi vào hoạt động đã thu hút rất nhiều người dân sử dụng. Trong đó, phần nhiều là bạn trẻ, vừa giúp mọi người rèn luyện sức khỏe vừa tạo nét văn hóa giao thông thân thiện với môi trường. Theo nhà đầu tư dịch vụ, sau gần 5 tháng khai trương dịch vụ xe đạp công cộng (từ ngày 16/12/2021), đến nay đã có 150.000 tài khoản đăng ký sử dụng với gần một triệu ki-lô-mét đã đi.

Hệ thống quản lý cũng thống kê, trung bình mỗi ngày có gần 15.000 người đăng ký mới. Đặc biệt, vào những dịp cuối tuần, xe đạp ở 43 trạm đều hoạt động hết công suất, lúc cao điểm phải sử dụng xe dự phòng. Thống kê cũng cho thấy có đến 60% số người đi xe đạp công cộng trong độ tuổi từ 22 đến 40 và khoảng 20% từ 40 đến 60 tuổi.

Đầu tháng 3/2022, một tuyến xe buýt chạy bằng điện do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đầu tư, đưa vào vận hành cũng được nhiều người hào hứng đón nhận bởi thiết kế hiện đại, tiện nghi, là loại hình giao thông công cộng “không khói”. Giá vé bằng với vé xe buýt của thành phố vì được hưởng chính sách trợ giá với quãng đường đi 29 km (từ Bến xe buýt Sài Gòn, Quận 1 về Khu đô thị Vinhomes Grand Park, thành phố Thủ Đức). Nhà đầu tư cho hay, sau thời gian thí điểm tuyến đầu tiên sẽ đưa thêm bốn tuyến khác vào hoạt động, có lộ trình đi qua các tuyến đường huyết mạch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải thành phố, việc thí điểm đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn tạo thói quen cho người dân thành phố sử dụng loại hình xe buýt điện văn minh, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường... Còn theo các chuyên gia về giao thông đô thị, các loại hình giao thông xanh xuất hiện như một làn gió mới, được người dân thành phố đón nhận và ủng hộ là một tín hiệu tích cực, giúp mọi người thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chuyển hướng sang lựa chọn giao thông công cộng thân thiện, giảm tình trạng quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông phải “gồng gánh” hàng triệu phương tiện cá nhân mỗi ngày.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận điểm hạn chế của xe đạp công cộng hiện nay là thiếu quy hoạch làn đường dành riêng; không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Do đó, ngành giao thông vận tải thành phố cần sớm quy hoạch, lập làn đường cho loại phương tiện này hoạt động an toàn để thu hút người dân sử dụng phương tiện xanh ngày càng nhiều. Đồng thời, thành phố cần có lộ trình thay thế dần hàng nghìn chiếc xe buýt sử dụng dầu diesel, xăng bằng loại nhiên liệu sạch hơn, hạn chế phát thải...; ưu tiên xe buýt sử dụng gas, điện, khí CNG.

Về lâu dài, thành phố tăng tốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2023, sớm khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương), kêu gọi nguồn vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khác nằm trong quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị của thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ■