Nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 với biến chủng Delta gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Bằng các giải pháp phòng, chống dịch kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, cùng với việc khẩn trương xét nghiệm, tiêm vắc-xin cho người dân ở vùng dịch trong nhiều tháng qua, đến nay số ca nhiễm mới, số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đã giảm rõ rệt, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Tuy vậy, mỗi ngày trên cả nước vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mới và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhất là từ khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội để dần tiến tới trạng thái “bình thường mới” thì lại có rất nhiều người dân muốn rời thành phố trở về quê theo hình thức tự phát để tránh dịch. Nhiều người trong số họ có cùng suy nghĩ: “Dịch bệnh chưa hết, việc làm không có, thu nhập không còn, về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Miễn sao tránh được dịch vẫn tốt hơn”.

Nhìn những gia đình nhiều người lớn, trẻ em cùng đồ đạc lỉnh kỉnh đèo trên một chiếc xe gắn máy, chen chúc ở các chốt kiểm soát liên tỉnh trong những ngày đầu tháng 10 này, mà chính họ cũng không biết có qua được chốt để về quê hay không, thật là ái ngại! Có tốt hơn cho họ không nếu người dân từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông ùn ùn tự phát trở về quê lúc này? Bao nhiêu người trong số họ đã được tiêm 2 hoặc 1 mũi vắc-xin Covid-19? Bao nhiêu người trong số họ đã nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 mà không biết? Bao nhiêu người trong số họ tiếp tục là tác nhân lan truyền mầm bệnh về các địa phương khi phải chen chúc kề bên nhau nhiều giờ liền ở các chốt kiểm soát dịch? Người thân của những người tự phát về quê liệu có an toàn khi họ trở về mà không bảo đảm chắc chắn các biện pháp phòng dịch?

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, các tỉnh cũng cần có ngay những phương án cấp bách để đón những gia đình thật sự khó khăn, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai... trở về địa phương, có biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội cho họ. Đón đồng bào gặp khó khăn về quê một cách chủ động cũng là giải pháp chủ động chống dịch từ xa cho địa phương. Đó không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền mà còn là đạo đức, xuất phát từ nghĩa tình đồng bào, từ truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Làn sóng Covid-19 thứ tư đã làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là khu vực đầy tiềm năng, lợi thế để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Từ đầu tháng 10, các doanh nghiệp đã từng bước hoạt động trở lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh, cuộc sống ở nhiều địa phương trong vùng dịch đang dần tiến tới trạng thái “bình thường mới”. Công tác tiêm vắc-xin đang được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng, chống dịch an toàn đã, đang được triển khai ở nhiều nơi. Khó khăn, nguy hiểm chưa qua nhưng những tia sáng lạc quan và hy vọng về khả năng hồi phục việc làm và thu nhập đang rõ dần.

Khi khoảng thời gian khó khăn, nguy hiểm nhất đã qua đi, chúng ta nên sẵn sàng tiếp tục công việc để lo cho bản thân, cho cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Hãy nâng cao ý thức phòng, chống dịch, góp phần để quê hương an toàn và luôn là hậu phương vững chắc của mỗi chúng ta!.

BÌNH NGUYÊN