Nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường

Năm nay là năm thứ ba TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 (Chỉ thị 19) của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường". Chỉ thị 19 được triển khai sâu rộng, lan tỏa đến từng quận, huyện, phường, xã, tạo chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn mỹ quan thành phố. 

Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên, nhiều công trình, sáng kiến, cách làm hay được nhân rộng, nhiều “điểm đen” ô nhiễm môi trường trở thành vườn hoa, công viên vui chơi, giải trí... phục vụ cho cộng đồng dân cư. Từ đó, người dân cảm nhận và thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, đó mới là kết quả bước đầu, việc cải thiện ô nhiễm môi trường của thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, việc thấm sâu trong ý thức cũng như hành động của người dân về gìn giữ, bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi nơi ở cũng như nơi công cộng cần rất nhiều giải pháp đồng bộ... 

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19 năm 2021. Theo đó, mục tiêu cụ thể là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã hoàn thành trong năm 2020, gồm: 100% phường, xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường; 100% phản ánh của người dân về ô nhiễm được tiếp nhận và xử lý kịp thời; 100% điểm ô nhiễm được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh. Thành phố sẽ vận động 100% hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. Phấn đấu 70% phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phường, xã, thị trấn sạch và xanh, thân thiện môi trường…

Có thể thấy rằng, các mục tiêu đặt ra để thực hiện Chỉ thị 19 trong năm 2021 là khá cao, cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ của người dân. Hiện, thành phố vẫn còn phổ biến tình trạng người dân xả rác ra đường phố, nơi công cộng hoặc các kênh, rạch. Nhiều tuyến đường còn tồn đọng rác thải; nhiều dòng kênh, rạch còn có lúc ô nhiễm do rác từ các hộ dân xả thẳng ra. Ngoài ra, việc phân loại rác trong các hộ gia đình vẫn chưa đạt yêu cầu khiến việc xử lý rác thải sinh hoạt toàn thành phố còn nhiều thách thức... 

Cho đến nay, nhiều người vẫn hỏi: Tại sao việc không xả rác bừa bãi khó thực hành đến vậy? Ở nhiều trường học, nhiều khu phố trên địa bàn thành phố, nhờ việc tuyên truyền tốt, người đứng đầu nêu gương tốt và có giải pháp tốt để phân loại rác, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng chỗ được thực hiện rất nghiêm túc và nền nếp, trở thành công việc tự thân trong nếp nghĩ và hành động, không cần phải trưng biển thông báo, nhắc nhở. Nhưng đây vẫn chưa phải là thói quen phổ biến của đại đa số...

Trong thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, các tổ chức,... thành phố cần đẩy mạnh các giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, chất thải nói riêng. Theo thống kê, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 19 (cuối năm 2018) đến hết năm 2020, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử phạt hơn 10.800 trường hợp vi phạm xả thải với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. 

Để việc xử lý đạt hiệu quả cao hơn, thành phố cần đặt thêm nhiều camera quan sát tại các điểm nóng về ô nhiễm rác thải nhằm tăng cường giám sát, xử phạt thật nghiêm minh các hành vi xả thải ra môi trường...