Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 (quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc thuộc quận 12 áp dụng Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 31-5 vừa qua. Sau bốn ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, tuy có thời điểm lượng hàng hóa được tiêu thụ tăng hơn so với các ngày trước đó, nhưng đến nay, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi... vẫn dồi dào, đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trong đợt giãn cách xã hội lần này.

Là đô thị đông dân với hơn 9,4 triệu nhân khẩu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thiết yếu bình quân một ngày của TP Hồ Chí Minh rất lớn. Do đó, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm. Hiện, ngành công thương thành phố sẵn sàng cung cấp hơn 10 nghìn tấn rau, củ, quả; thịt; thủy, hải sản mỗi ngày. Cụ thể, mỗi ngày cung ứng khoảng 700 tấn thịt heo, 250 nghìn con gia cầm và dồi dào các loại thủy, hải sản. Chuỗi cung ứng hàng hóa cho thành phố đến từ ba nguồn chính, gồm: Các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường chiếm khoảng 30%; các chợ đầu mối chiếm khoảng 60% và các DN sản xuất, kinh doanh khác chiếm khoảng 10% thị phần. Sở Công thương thành phố cũng kích hoạt việc liên kết với 22 tỉnh, thành phố trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Ngành công thương thành phố cũng xây dựng ba kịch bản cung ứng hàng hóa tương ứng với ba kịch bản diễn biến của dịch Covid-19 khác nhau để có những giải pháp triển khai chủ động, hiệu quả. Ở kịch bản thứ nhất, nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng, cách ly một số khu vực quận, huyện, phường, xã, giải pháp đưa ra là tập trung dự trữ, bảo đảm nguồn nguyên liệu thiết yếu để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn trong thời gian cách ly. DN bình ổn thị trường chuẩn bị nguyên, vật liệu, cung ứng nguồn hàng tăng từ 50 đến 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối trên địa bàn; tăng cường bán hàng qua kênh phân phối thương mại điện tử; tăng 100% lượng hàng dự trữ tại các kho chứa, trữ.

Với kịch bản thứ hai và thứ ba, tình huống đưa ra khi có lệnh cách ly toàn thành phố tương ứng 30 ngày và 60 ngày, Sở Công thương tiếp tục triển khai các giải pháp ở kịch bản thứ nhất. Ðồng thời, rà soát, đánh giá năng suất phục vụ, cung ứng hàng hóa của từng hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, địa điểm bán lẻ... trên từng địa bàn, khu vực. Xây dựng mô hình, phương án tổ chức phân phối, cung ứng cho người dân hiệu quả, hợp lý. Xây dựng, đẩy mạnh triển khai phương án hỗ trợ giao hàng, giao hàng miễn phí tận nhà cho người dân; khuyến khích người dân mua hàng qua điện thoại, trực tuyến. Ðề xuất UBND thành phố có các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi, trồng trọt, các DN sản xuất, kinh doanh tích cực tạo nguồn hàng, phục vụ sản xuất; ban hành cơ chế tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu, bổ sung kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân...

Hiện, tình hình thị trường, việc cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn ổn định, giá cả hàng hóa không có biến động lớn, nguồn cung dồi dào. Do đó, người dân không nên mua hàng hóa về tích trữ, tránh tập trung đông người gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Dù ở tình huống nào, thành phố cũng luôn bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa...