Công bằng khi triển khai gói hỗ trợ

Gói hỗ trợ đợt hai cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh được chi trả từ nay đến ngày 15/8 với tổng kinh phí 900 tỷ đồng. Đây là tin vui với hàng trăm nghìn lao động nghèo, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cán bộ quận 5 trao quà hỗ trợ người lao động tự do. Ảnh: QUÝ HIỀN
Cán bộ quận 5 trao quà hỗ trợ người lao động tự do. Ảnh: QUÝ HIỀN

Theo Văn bản khẩn số 2627/UBND-VX ngày 6/8/2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo công tác hỗ trợ đợt hai được mở rộng cho ba nhóm đối tượng, gồm: Người lao động tự do; hộ nghèo, cận nghèo; hộ nghèo đang sinh sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ nguồn ngân sách thành phố và xã hội hóa.

Đây là chính sách hỗ trợ có ý nghĩa nhân văn và kịp thời đến người dân gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Dự kiến trong đợt này, hơn 334 ngàn lao động tự do và hơn 260 ngàn hộ dân sẽ được thụ hưởng. Thực tế trong quá trình triển khai, số lượng đối tượng được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều và UBND thành phố chỉ đạo vẫn tiếp tục hỗ trợ cả trong trường hợp kinh phí vượt dự kiến.

Để bảo đảm tiền hỗ trợ đến tay người dân được công bằng, minh bạch, đúng đối tượng và không bỏ sót, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề cao trách nhiệm rất lớn của chính quyền và Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, yêu cầu: “Nếu để người dân rơi vào hoàn cảnh cùng cực, thiếu đói, thiếu mặc thì người đứng đầu của chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố”.

Theo phân cấp, phân quyền khu phố, thôn là nơi có trách nhiệm lớn trong việc đề xuất, lập danh sách các cá nhân và hộ gia đình thuộc diện khó khăn được hỗ trợ. Trưởng khu phố trở thành người “cầm cân nảy mực” đưa vào danh sách sao cho đúng người, đúng đối tượng, không để người dân nào phải chịu thiệt thòi, phải thắc mắc, hoài nghi. Ai cũng kỳ vọng sự công tâm vì trưởng khu phố là người am hiểu và quán xuyến rõ nhất đối tượng nào cần hỗ trợ. Lần này, đối tượng hỗ trợ được mở rộng hơn so với lần trước, chính vì vậy, trưởng khu phố càng phải có trách nhiệm rà soát, không bỏ sót và không để hỗ trợ sai đối tượng.

Trong những lần hỗ trợ trước, bên cạnh những quận, huyện tổ chức rất tốt khâu lập danh sách và chi trả rất nhanh tiền hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng, cũng còn một số địa phương lúng túng, chậm trễ, dù thành phố đã bỏ bớt thủ tục người dân phải nộp tờ khai. Còn trường hợp người dân phàn nàn mình thuộc diện được hỗ trợ nhưng không được nhận tiền, từ đó nảy sinh nhiều tâm tư. Một trong những giải pháp hữu hiệu để người dân bảo vệ quyền lợi của mình là có thể gọi đến đường dây nóng của các phường, xã, quận, huyện hoặc gọi vào tổng đài 1022 để được hỗ trợ hướng dẫn. Về phía các khu phố, nhằm bảo đảm công bằng và minh bạch, nên công khai danh sách cá nhân hay hộ gia đình được hỗ trợ để người dân theo dõi, giám sát và đóng góp ý kiến.

Hiện, không ít khu phố, thôn gặp khó khăn trong khâu thực hiện do thành phố yêu cầu triển khai gấp rút trong thời gian ngắn. Lý do chủ yếu là do các khu phố, thôn đang tập trung lực lượng triển khai hàng loạt nhiệm vụ khác như: Tổ chức giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân; trao quà, trao suất ăn từ thiện cho những hộ khó khăn… Vì thế, trong việc tổ chức triển khai gói hỗ trợ, cần phối hợp thật tốt giữa các cơ quan, ban, ngành nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục để gửi tiền hỗ trợ nhanh nhất đến người gặp khó. Để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, cần thực hiện tốt công tác hậu kiểm để có đánh giá chính xác hiệu quả chính sách hỗ trợ của thành phố.