Chấn chỉnh dịch vụ điều trị F0 tại nhà

Mới đây, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở y tế có liên quan đến công tác khám, chữa bệnh và thu phí dịch vụ chăm sóc những trường hợp F0 tại nhà trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đã kiểm tra các phòng khám F.M, B, V.H... và ghi nhận có việc các đơn vị này triển khai gói dịch vụ điều trị F0 tại nhà nhưng chưa giải trình được cơ cấu xây dựng giá điều trị và chăm sóc F0. Trong khi đó, các phòng khám này hiện đang thu phí điều trị và chăm sóc F0 tại nhà với mức giá dao động từ 12 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/lộ trình điều trị (từ 10 ngày đến 14 ngày). Trong hoạt động khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế này cũng tồn tại các vi phạm hành chính khác như: Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Hiện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang tổng hợp hồ sơ và sẽ có giải pháp xử lý phù hợp với quy định và bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát phức tạp tại thành phố và nhiều địa phương trên cả nước, Bộ Y tế đã có văn bản thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc không thu phí với các dịch vụ trong hạng mục phòng, chống dịch. Bộ Y tế hoan nghênh mạng lưới y tế tư nhân tham gia hoạt động phòng, chống dịch, nhưng việc tham gia phải tuân thủ quy định của ngành y tế nói riêng và pháp luật nói chung. Trong đó, các thông tin liên quan và giá dịch vụ phải được cung cấp cho người dân một cách công khai, minh bạch.

Hiện nay, thành phố không có chủ trương thu phí điều trị đối với người bệnh Covid-19. Thời gian gần đây, hệ thống y tế thành phố đã và đang rơi vào tình trạng quá tải do số lượng ca bệnh Covid-19 tăng cao; thực tế đó đã tạo điều kiện cho sự ra đời dịch vụ chăm sóc và điều trị trường hợp F0 tại nhà của một số đơn vị, cá nhân đang hoạt động trong ngành y tế. Đây là việc tốt, tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực với nhiều phần việc cụ thể trong phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở y tế tư nhân vốn rất đông đảo trên địa bàn thành phố cũng tạo ra không ít “hạt sạn” trong quá trình hoạt động của mình. Nếu cơ sở y tế triển khai những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh không hợp lý, hoặc không bảo đảm năng lực điều trị, thì quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Biểu giá dịch vụ chưa rõ ràng, hoặc quá cao so với giá ở các cơ sở y tế công lập cũng gây khó cho người bệnh.

Trong tình cảnh hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân cần đề cao hơn nữa y đức, nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”, không nên “tranh thủ” trong lúc người dân đang khốn khổ vì dịch bệnh và thu nhập giảm sút do kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tỉnh táo, sáng suốt hơn trong việc lựa chọn nơi khám, chữa bệnh; không nên dễ dãi trong việc sử dụng các thiết bị y tế mà phải theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Người dân cần đến những địa chỉ có uy tín khi mua thuốc, thiết bị y tế; không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mình và người thân.