Bài toán an cư cho người lao động

Tại buổi sơ kết quý I/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh nêu một con số về nguồn nhân lực khiến các đại biểu có mặt cảm thấy rất phấn khởi. Đó là, số người lao động quay trở lại thành phố làm việc sau Tết Nguyên đán đạt tỷ lệ cao, trong đó các doanh nghiệp lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc. 

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao; trong đó khu công nghệ cao đạt 100%, khu công nghiệp đạt hơn 90%. Đây là một tín hiệu tích cực cho nỗ lực tái sản xuất, phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau đại dịch Covid-19.

Nói đây là tín hiệu vui là bởi trong tâm dịch Covid-19 vừa qua, hàng trăm nghìn người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã quyết định chọn cách hồi hương thay vì bám trụ, ở lại thành phố trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Những dòng người xuôi ngược về quê cùng vợ con, đồ đạc là hình ảnh dự báo về khó khăn trong nỗ lực khôi phục nguồn nhân lực khi dịch bệnh khó khăn qua đi, cũng phần nào phản ánh những bất cập trong công tác an sinh bền vững đối với lao động nhập cư của thành phố. 

Không thể phủ nhận những nỗ lực trong công tác chăm lo an sinh cho các đối tượng lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn và nhiều đối tượng khác cần sự hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua. Hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khác đã kịp thời được cấp phát, hỗ trợ đến các đối tượng để họ yên tâm thực hiện giãn cách xã hội; doanh nghiệp “gồng mình chịu lỗ” để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. 

Tất cả những nỗ lực hỗ trợ người lao động, nhất là lao động nhập cư đều rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, đứng ở góc độ xã hội, những phần quà, những túi an sinh chỉ giúp họ phần nào bớt đi nỗi lo về bữa ăn hằng ngày. Vấn đề mà bất cứ người lao động nào cũng quan tâm là luôn mong có một công việc ổn định, ước mơ sở hữu một nơi an cư bền vững sau nhiều năm cống hiến sức lao động cho xã hội. 

Theo Sở Xây dựng thành phố, ước tính đến cuối năm 2021, thành phố phát triển thêm 4,4 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố là 195,14 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân là 20,65 m2/người. Trong năm 2022, xây dựng một triệu căn nhà giá rẻ hướng tới người có thu nhập thấp được xem là chương trình trọng tâm trong kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, nhiều dự án ở thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn,... đã bắt đầu khởi động.

Với những tín hiệu này, hy vọng, mục tiêu về số lượng nhà ở xã hội thành phố đề ra sẽ được thực hiện đúng thời hạn. Bởi giai đoạn trước đó (2016-2020), thành phố từng đề ra mục tiêu xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 45.000 căn. Tuy nhiên, đến năm 2017 mới chỉ có 1.654 căn hộ được hoàn thành khiến ước mơ về chỗ an cư vẫn xa vời với nhiều người. 

Không chỉ là vấn đề về nhà ở, người lao động luôn mong muốn được sống trong một môi trường có tình hình an ninh trật tự ổn định, lành mạnh. Để người lao động yên tâm gắn bó, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để người lao động không chỉ xem đây là nơi mưu sinh mà là nơi gắn bó máu thịt để cống hiến.