Đam mê sưu tầm để lưu giữ kỷ niệm

Ngoài sưu tầm những tài liệu, hiện vật có giá trị diễn ra trong cuộc sống theo chuỗi thời gian xưa-nay, nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp (quận Phú Nhuận) còn sưu tập, lưu giữ cẩn thận những tờ báo cũ cũng như những dòng lịch sử luôn sống động hình ảnh, sự kiện của đất nước ta qua các thời kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Huỳnh Minh Hiệp mong muốn được giới thiệu đến các bạn trẻ về lịch sử của Việt Nam qua những trang báo cách mạng.
Anh Huỳnh Minh Hiệp mong muốn được giới thiệu đến các bạn trẻ về lịch sử của Việt Nam qua những trang báo cách mạng.

Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp-Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Unesco Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam vừa vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đã xác lập kỷ lục với bộ sưu tập phiếu đi chợ và các giấy tờ, hiện vật liên quan đến đại dịch Covid-19 tại các địa phương của Việt Nam, với số lượng lớn nhất.

Trước đó, anh Huỳnh Minh Hiệp từng xác lập các Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục Người Việt toàn cầu với Bộ sưu tập programme-poster film chiếu rạp. Các tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam giai đoạn trước năm 1975; bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới và bộ sưu tập các hiện vật tái hiện Sài Gòn trước năm 1975. Qua đó, anh đã được nhận nhiều giấy khen, thư cảm ơn của các ban, ngành, quận, huyện, thành phố trên cả nước khi hỗ trợ các tư liệu hiện vật... mà anh dày công sưu tập, lưu giữ.

Anh Hiệp hẹn gặp chúng tôi trong quán cà-phê “Lúa Sài Gòn”. Đây là nơi anh trưng bày tất cả các hiện vật mà 30 năm qua dày công sưu tập. Quán “Lúa Sài Gòn” không quá tập trung vào doanh thu, chủ yếu là những thức uống đơn giản, những đĩa bánh tai heo, bánh quy truyền thống, mong muốn chủ yếu là để tạo không gian cho những ai muốn về thăm lại Sài Gòn những năm về trước với tâm niệm "chọn cách làm riêng hy vọng đem đến những hiệu ứng tích cực với giới trẻ".

Anh Huỳnh Minh Hiệp chia sẻ: Tôi sinh ra trong gia đình có ông tổ là Đốc Phủ Sứ Bạc Liêu. Ông cố là cố vấn Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Ông nội và ba người anh trai của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp và cả ba người anh của ông đều hy sinh trong cuộc kháng chiến. Đến thời cha anh, bộ sưu tập tiền cổ do cha sưu tập là điều khiến ông tự hào nhất. Cứ như thế, trong anh niềm tự hào dân tộc, niềm đam mê sưu tầm nhen nhóm từ lúc nào không hay.

Cà-phê “Lúa Sài Gòn” là nơi anh gom góp, chứa đựng tất cả những kỷ vật của mình, từ những khối tiền thời Vua Minh Mạng cho đến máy chiếu phim cho trẻ em ngày xưa... Đối với anh, mỗi kỷ vật đều có câu chuyện, đánh dấu thời kỳ vàng son hay thăng trầm của lịch sử.

Với sở thích đọc báo giấy, sáng sớm mỗi ngày anh đều đọc vài tờ báo, uống ly cà-phê rồi mới đi làm. “Khi chúng ta làm một điều gì đó quá lâu, bắt đầu từ thói quen, dần sẽ chuyển thành đam mê, thành một phần của trái tim, qua tháng năm những tờ báo cũ trong nhà ngày càng nhiều, tôi mới chợt nhận ra, mình chưa có bộ sưu tập về báo chí, nhất là báo chí cách mạng”, anh Hiệp cho biết.

Nghĩ là làm, anh bắt đầu sưu tập từ năm 1993, đến nay anh đã có hơn 500 tờ báo cũ thuộc nhiều giai đoạn của lịch sử Việt Nam. Trong đó, có nhiều tờ báo có giá trị lịch sử như tờ Gia Định báo, do ông Trương Vĩnh Ký làm chủ biên. Gia Định báo là tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam, anh Hiệp lưu giữ bản Gia Định báo, ngày 2/9/1890; hay tờ Tiếng Dân của ông Huỳnh Thúc Kháng. Tờ báo này chỉ lưu hành trong 16 năm, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ngày 22/8/1938...

Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp cho biết: Tờ Việt Thanh, Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Vân-phương châm của tờ báo này là “Thông tin xác thiệt và mau lẹ” ngày 23/7/1954, trang một, tiêu đề chính “Thà chết chớ không chịu chấp nhận sự chia sẻ nước Việt Nam”.

Để có bộ sưu tập công phu, đa dạng như hiện nay, anh Huỳnh Minh Hiệp cho biết: Sưu tầm và bảo quản những trang báo khó và kỹ hơn những hiện vật khác nhiều, nhưng trong gia tài sưu tầm của mình, anh tự hào về bộ sưu tập báo chí nhất. Anh dành hẳn một không gian rộng lớn trong quán để trưng bày những trang báo xưa, khi ai ghé quán, anh lại say sưa giới thiệu chuyện trò.