Bệnh sởi diễn biến phức tạp
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận gần 650 trường hợp mắc sởi, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột với 316 trường hợp mắc bệnh, huyện Lắk 65 trường hợp, huyện Krông Pắc 59 trường hợp, huyện Cư M’gar 38 trường hợp, huyện Cư Kuin 33 trường hợp… Điều đáng chú ý là trong đợt dịch sởi năm nay, không chỉ có trẻ nhỏ mắc bệnh mà người lớn mắc sởi cũng đang gia tăng nhanh chóng. Trong số các trường hợp mắc bệnh, hơn 10% bệnh nhân là trên 15 tuổi.
Bác sĩ H’Nuen Hđớk, Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho gần 80 bệnh nhân mắc sởi với độ tuổi dao động từ 20 đến 40 tuổi. Trong số này có một vài trường hợp gặp biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp phải hỗ trợ chăm sóc ICU. Còn lại hầu hết các trường hợp nhập viện trong tình trạng sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các biến chứng về mắt như viêm kết mạc mắt, biến chứng viêm phổi, rối loạn đường tiêu hóa.
“Các năm trước chỉ có trẻ em nhập viện điều trị bệnh sởi nhưng năm nay số bệnh nhân mắc sởi là người lớn gia tăng đột biến. Các triệu chứng ban đầu của sởi là sốt, mệt mỏi nên nhiều bệnh nhân sẽ chủ quan nghĩ sốt thông thường và dễ nhầm với sốt phát ban, cúm và tự ý mua thuốc uống ở nhà. Điều này khiến nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị trễ khi đã xuất hiện các biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh”, bác sĩ H’Nuen chia sẻ.
Tăng gấp 111 lần ca mắc sởi, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương mở rộng đối tượng tiêm vaccine
Chị H.R.H 35 tuổi, trú tại xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang nằm điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trước đây chị đã được nghe về bệnh sởi nhưng không nghĩ bệnh có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe như vậy. Lúc mắc bệnh, ở nhà sốt cao năm ngày liên tiếp, chị đi mua thuốc Tây về uống nhưng không đỡ nên phải nhập viện và được chẩn đoán mắc sởi. Sau khi nhập viện, chị phát ban ở mặt, bụng, ho viêm phổi, khó thở, đỏ mắt, nhìn mờ và tiêu chảy.
“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ bị mắc bệnh sốt xuất huyết nên đi mua thuốc về uống vài ngày là hết, nhưng bệnh càng ngày càng trở nên nặng hơn. Sau đó, tôi nhập viện và được bác sĩ nói mắc bệnh sởi, lúc này tôi rất lo lắng vì ở nhà có ba đứa con nhỏ không biết có bị lây bệnh từ mình không. Trong những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, tôi liên tục gọi điện về nhà dặn chồng chú ý các biểu hiện bất thường của con và đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh”, chị H.R.H chia sẻ.
Cũng nằm điều trị vì các biến chứng của bệnh sởi tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, anh N.H.N 35 tuổi, trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết: Cách đây bốn ngày, anh xuất hiện triệu chứng sốt. Nghĩ sốt thông thường nên anh ra tiệm thuốc Tây mua thuốc về uống. Sau đó, anh bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban. Mặc dù mệt nhưng nghĩ gắng chờ hết phát ban sẽ đỡ nên anh tiếp tục ở nhà uống thuốc. Tuy nhiên, đến ngày thứ tư anh kiệt sức, mắt đỏ ngầu, ho, sốt, tiêu chảy nên gia đình đưa anh nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán anh mắc sởi. “Lúc đầu tôi chỉ phát ban ở mặt, sau đó vùng phát ban lan xuống tay, bụng và chân. Bệnh trở nặng khiến tôi hoàn toàn kiệt sức, ăn uống không được lại còn bị tiêu chảy. Vì không nghĩ mình mắc sởi nên tôi chủ quan ở nhà điều trị và cũng không ngờ bệnh sởi lại gây ra các biến chứng nguy hiểm đến vậy”, anh N.H.N lo lắng.
Theo bác sĩ H’Nuen Hđớk, nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân trưởng thành mắc sởi là do virus lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vaccine hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm đều có nguy cơ mắc bệnh cao. “Bệnh sởi lây lan theo đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh cho những người xung quanh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ gặp biến chứng: viêm họng, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm màng não, viêm não, biến chứng đường tiêu hóa… gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Do phát ban nên nhiều bệnh nhân kiêng khem tắm rửa khi mắc sởi, điều này hoàn toàn sai lầm. Đối với bệnh sởi, bệnh nhân phải lưu ý tắm rửa vệ sinh sạch sẽ để tránh bội nhiễm gây nhiễm trùng da, giữ ấm cơ thể, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và chú ý đeo khẩu trang, cách ly không để bệnh lây lan với người xung quanh”, bác sĩ H’Nuen khuyến cáo.
Tăng cường phòng, chống bệnh sởi
Bác sĩ H’Nuen Hđớk cho biết, để ngăn ngừa mắc bệnh sởi một cách hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vaccine. Ngoài ra, luôn luôn đeo khẩu trang khi ở những nơi đông người và thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cũng như duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Khi có triệu chứng như sốt và phát ban, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trước tình hình bệnh sởi trên địa bàn diễn biến phức tạp và các trường hợp mắc bệnh có chiều hướng gia tăng nhanh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn số 10805/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn. Trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biễn tình hình dịch sởi trên địa bàn, thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi.
Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…