Sớm kiểm soát hiệu quả dịch sởi

Sau khi chính thức công bố dịch sởi trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã tập trung thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong việc tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng để đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng bệnh sởi. Ba tuần gần đây, số ca mắc sởi có dấu hiệu chững lại, cho thấy hiệu quả sau khi thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin từ ngày 31/8 đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh được tiêm vắc-xin sởi-rubella (MR) trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi tại trường học.
Học sinh được tiêm vắc-xin sởi-rubella (MR) trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi tại trường học.

Ngày 27/8, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố trước bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có ba trẻ tử vong. Theo đó, từ ngày 23/5 đến 18/8, toàn thành phố phát hiện 170 trường hợp mắc bệnh sởi tại 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; trong đó, có 57 phường, xã có ca bệnh sởi và 10 quận, huyện có từ hai phường, xã trở lên có ca bệnh (gồm huyện: Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi; các quận 12, 6, 8, Tân Phú, Tân Bình, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức).

Trong khi trước đó, từ năm 2021-2023, thành phố chỉ ghi nhận một ca bệnh sởi. Lý giải nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng, Sở Y tế thành phố cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020-2021, thêm nữa do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2022-2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ bao phủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng và vắc-xin sởi của các tỉnh phía nam, trong đó, có Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, đến tháng 5/2024, tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi của trẻ em thành phố từ năm 2019-2023 đều chưa đạt 95%. Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ phải đạt hơn 95%. Do vậy nguy cơ bùng phát dịch sởi rất lớn.

Từ thực tế nêu trên, Thành phố phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ đồng loạt ở tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin. Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), hiện tại có bốn quận, huyện không ghi nhận ca bệnh mới; tám quận, huyện có số ca mắc giảm trong tuần qua.

Tuy nhiên, tổng số ca mắc trên toàn thành phố vẫn cao so với trung bình bốn tuần trước đó. Từ khi bắt đầu dịch (tháng 5/2024), thành phố đã ghi nhận ca bệnh sởi tại 55 trường học thuộc 16 quận, huyện. Trong đó, 25 trường đã hoàn thành theo dõi, còn 30 trường vẫn đang được theo dõi trong vòng 21 ngày. Cũng trong tuần qua, thành phố thành lập bốn Tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi và 12 Tổ phản ứng nhanh tại các trường học.

Ông Tâm cho biết: Điều kiện để công bố hết dịch sởi là 21 ngày không ghi nhận ca bệnh mới sau khi kết thúc chiến dịch tiêm vắc-xin. Vì vậy, các địa phương cần hoàn thành tiêm vắc-xin trong tháng 9. Riêng Quận 8 đã hội đủ điều kiện để sớm công bố chấm dứt dịch sởi, vì dẫn đầu thành phố về số lượt tiêm với 85% số trẻ tiêm vắc-xin sởi. Huyện Bình Chánh đứng thứ hai với tỷ lệ hơn 60%. Tuy nhiên, một số quận, huyện như Quận 5 có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Những tuần gần đây, các ca mắc sởi liên tục giảm từ 40 ca xuống 30 ca và tuần này chỉ còn khoảng hai ca sởi đang điều trị, đáng mừng là không ghi nhận có ca nặng. “Đây là điều đáng mừng, đánh giá chiến dịch phòng chống sởi đã phát huy hiệu quả, làm giảm tốc độ lây lan. Nếu tiếp tục đẩy mạnh, dịch có thể được kiểm soát. Tuy nhiên, với sự di chuyển dân cư lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát số trẻ cần tiêm vắc-xin, vì đây là nhóm nguy cơ cao, dễ bị bỏ sót”, bác sĩ Quy nhấn mạnh.

Ngày 18/9, Sở Y tế thành phố đã tổ chức ba đoàn kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi tại Quận 7, quận Tân Phú, và quận Bình Tân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: Qua kiểm tra các cơ sở tiêm chủng tư nhân tham gia chiến dịch, đoàn ghi nhận sự tham gia của các cơ sở này đã giúp thông tin chiến dịch được lan tỏa và người dân có thêm lựa chọn để được tiêm chủng miễn phí trong chiến dịch.

Sở Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ, huy động thêm đội tiêm từ các bệnh viện khi có yêu cầu. Tính đến hết ngày 17/9, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella của thành phố đã đạt tổng số 76.993 mũi sởi-rubella (MR). Trong đó, đã tiêm được 31.075 mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt tỷ lệ 62,3%, 39.745 mũi cho trẻ từ 6-10 đạt tỷ lệ 22,3%, và 6.173 mũi cho các đối tượng khác (trẻ thuộc nhóm nguy cơ, nhân viên y tế). Huyện Bình Chánh, Quận 10 và Quận 8 là những nơi có tiến độ tiêm cao.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo quận, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành địa phương và mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi kỳ vọng sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy nhận định, tình hình dịch bệnh sởi đã có những dấu hiệu tích cực; tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận, huyện vùng ven có số ca mắc cao, nhất là khu vực có nhiều công nhân thuê trọ và trẻ em từ nơi khác đến; đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát kỹ lưỡng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và quyết tâm dập dịch sớm nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Những địa phương không ghi nhận ca bệnh trong tuần qua vẫn cần cảnh giác, do tỷ lệ bao phủ vắc-xin chưa cao. “Đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp với công an để rà soát số trẻ từ 1-10 tuổi sinh sống trên địa bàn, xác định lịch sử tiêm chủng của trẻ và vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm, nhất là trong bối cảnh thành phố có số lượng dân di cư lớn; cố gắng đến giữa tháng 10 có thể công bố hết dịch sởi”, bà Thúy nhấn mạnh.