Trên vùng đất mới, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Song việc di cư ngoài kế hoạch đã gây ra nhiều áp lực, hệ lụy cho các cấp chính quyền và các ngành chức năng của địa phương.
Vùng đất hứa
Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 đến năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 57.995 hộ với 282.230 khẩu ở 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư đến Đắk Lắk sinh sống.
Từ năm 1976 đến năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 57.995 hộ với 282.230 khẩu ở 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư đến Đắk Lắk sinh sống.
Giai đoạn 2005-2021, có 1.921 hộ di cư đến Đắk Lắk, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc H'Mông từ các tỉnh miền núi phía bắc, với 1.500 hộ, 7.818 khẩu.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có dân số 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 32,5%.
Đối với dân di cư tự do, toàn tỉnh hiện có 10.167 hộ, tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, M’Đrắk, Lắk, Cư M’gar…
Nhiều vùng dân di cư tự do ở Đắk Lắk, điều kiện cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, dân di cư tự do đến Đắk Lắk do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là đời sống khó khăn; điều kiện tự nhiên, khí hậu tại nơi ở cũ khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai; so với các tỉnh khác, mật độ dân số ở Đắk Lắk còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho cư trú và sản xuất nông nghiệp; các hộ đã di cư vào Đắk Lắk trước đây đều có cuộc sống ổn định, phát triển đã gián tiếp tạo sự thúc đẩy quá trình di cư, nhất là trong quan hệ gia đình, dòng tộc...
Bên cạnh đó, dân di cư tự do vào Đắk Lắk làm gia tăng dân số, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới và bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh. Đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung và đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần bảo đảm quốc phòng- an ninh, nhất là vùng biên giới...
Nhiều hộ đồng bào H'Mông di cư tự do vào Đắk Lắk phát triển nghề nuôi bò ổn định cuộc sống. |
Ông Sính Tráng Páo, trưởng thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, toàn thôn có 382 hộ với 2.280 khẩu, hầu hết là đồng bào 'HMông di cư tự do từ các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang vào năm 2004. Thời gian đầu mới vào, cuộc sống hết sức khó khăn, người dân chủ yếu ở trong rừng, cách trung tâm xã hàng chục ki-lô-mét. Để có đất sản xuất, người dân phải phá rừng làm nương rẫy, con em không có chỗ học hành, đau ốm không có nơi chữa bệnh… cuộc sống cực khổ trăm bề. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, đặc biệt là cấp đất ở, đất sản xuất và tổ chức sắp xếp ổn định cuộc sống cho bà con có chỗ ở ổn định. Đến nay, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng so với cuộc sống ở quê cũ cũng như những ngày đầu mới di cư vào, thì cuộc sống đã khá hơn rất nhiều. Các thôn đều có đường bê-tông đi lại, gia đình nào cũng có đất sản xuất, có điện thắp sáng và con em đều được đến trường học tập… Bà con chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lắm!
Con em đồng bào H'Mông ở Đắk Lắk. |
Nhiều áp lực cho chính quyền địa phương
Tuy nhiên, dân di cư tự do đến Đắk Lắk với số lượng quá lớn đã gây ra những hệ lụy và tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Cụ thể, rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng; đa dạng sinh học bị phá vỡ, nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm bị xâm hại; môi trường sinh thái bị tác động, biến đổi, gây ra các hiện tượng thiên tai cực đoan như hạn hán, lũ quét, sạt lở...
Bên cạnh đó, làn sóng di cư tự do dẫn đến những tác động lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nơi dân đến, tạo ra sức ép trong việc giải quyết vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Đặc biệt, dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và vùng sản xuất; phát sinh nhiều “điểm nóng” về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy M’Đrắk vận động đồng bào di cư tự do di dời nhà cửa đến khu tái định cư để xây dựng công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng. |
Qua trao đổi, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện có đông dân di cư tự do như huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Đrắk và Krông Năng cho biết, dân di cư tự do nhiều làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, tình trạng tảo hôn, đông con, tệ nạn ma túy…
Trong khi đó, việc giải quyết những vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn do người dân không có hộ khẩu, không có các loại giấy tờ tùy thân, đăng ký kết hôn… nên không có cơ sở để cấp đất ở, đất sản xuất; việc xây dựng các điểm trường, thiết chế văn hóa hay các công trình hạ tầng rất khó khăn. Nhiều nơi, người dân chưa tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chế độ hộ nghèo và những ưu tiên khác.
Dân di cư tự do vào Đắk Lắk chủ yếu sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa và gần rừng, gây rất nhiều áp lực cho chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. |
Mới đây nhất là vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2/6, một nhóm khoảng 30 người dân tộc H’Mông di cư tự do vào sinh sống tại buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar kéo đến đập phá Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 3 của Lâm trường Buôn Ja Wầm thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk và hành hung, đe dọa các cán bộ, nhân viên ở đây. Hậu quả, nhóm đối tượng đã hành hung anh Trần Hồng Minh, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng bị trọng thương phải đưa lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu.
Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm Nguyễn Tất Văn cho biết, đây không phải là lần đầu tiên nhóm đối tượng ở buôn H’Mông này đến gây rối, đe dọa, đánh người và đập phá tài sản của Trạm quản lý, bảo vệ rừng của lâm trường. Thời gian qua, trên lâm phần do lâm trường quản lý, tình trạng dân di cư tự do xâm chiếm đất rừng, đốt dọn, trồng cây hoa màu và cây công nghiệp trên đất lâm nghiệp diễn biến hết sức phức tạp, gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Dân di cư tự do lấn chiếm đất lâm nghiệp ở xã Cư San, huyện M'Đrắk làm nhà sinh sống và sản xuất, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai. |
Hay tại xã Cư San, huyện M’Đrắk, khoảng từ năm 2000 đến 2005 đã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc H'Mông từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư tự do vào đây sinh sống. Từ đó đến nay, các hộ dân di cư tự do này đã phá và lấn chiếm hàng trăm ha rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất, đồng thời hiện nay việc di dời các hộ dân này đến khu tái định cư để thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng hồ chứa nước Krông Pách Thượng gặp rất nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện ủy M’Đrắk Ra Lan Von Ga cho biết: Tổng số hộ dân cần di dời là 728 hộ, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã vào cuộc tuyên truyền, vận động và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, nhưng đến nay vẫn còn 118 hộ chưa chịu di dời, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án…
Nỗ lực ổn định dân di cư tự do
Để giải quyết vấn đề dân di cư tự do và bảo đảm đời sống cho người dân, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, dự án quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định người dân di cư tự do.
Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã lập quy hoạch 17 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và đã được phê duyệt 15 dự án. Trong đó, đã có 13 dự án đang được triển khai tại 6 huyện: Ea Súp, Cư M’gar, M’Drắk, Krông Bông, Krông Năng và Lắk với tổng mức đầu tư hơn 670 tỷ đồng, quy mô bố trí tập trung cho 4.402 hộ dân di cư tự do.
Trường học được xây dựng khang trang tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, thôn chủ yếu đồng bào Mông di cư tự do vào sinh sống. |
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhìn chung, các dự án đều mang lại hiệu quả nhất định, kết cấu hạ tầng được đầu tư kiên cố giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng nhà, nhiều vùng đã có nước sạch để sinh hoạt, các dịch vụ xã hội cơ bản được đáp ứng, đời sống của người dân đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chưa đầy đủ và nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên đến nay nhiều dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do xây dựng chưa hoàn thành, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Do đó, hiện vẫn còn nhiều hộ dân di cư tự do sinh sống trong rừng, bìa rừng và trên đất lâm nghiệp… gây nhiều áp lực cho chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương.
Con em đồng bào H'Mông di cư tự do vào sinh sống trên địa bàn huyện Krông Bông được đến trường học tập. |
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân và giải quyết các vấn đề nảy sinh do dân di cư tự do gây ra, góp phần hình thành, phát triển các khu dân cư, vùng sản xuất mới và bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh.
Đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mở rộng diện tích, sản lượng sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy quá trình hòa nhập, phát triển cho các dân tộc tại chỗ; bổ sung và đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần bảo đảm quốc phòng- an ninh, nhất là vùng biên giới... xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.