Nhờ đó, miền đại ngàn với gần 6 triệu người, 49 dân tộc anh em, trong đó có hơn 30% đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cộng cư, đã có những thay đổi kỳ diệu.
Tuy nhiên, với đặc điểm của một vùng cư dân đa dạng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, cuộc sống của một bộ phận đồng bào nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bài 1: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường
Điều quan trọng nhất là làm cách nào để loại bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống của chính họ.
Thay cho những khẩu hiệu mang tính hình thức, “chìa khóa” quan trọng là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm tuyên truyền, vận động và thực thi những chương trình thiết thực, hiệu quả.
Cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần tăng cường hiểu biết, trực tiếp cầm tay chỉ việc, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tiếp cận tư duy kinh tế hiện đại, tổ chức cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ…
Tây Nguyên, miền rừng xanh núi đỏ, miền đất của những tộc người anh em suốt bao thế hệ sống hòa hợp trong môi trường tự nhiên. Sống theo lý lẽ của rừng, đồng bào đã sáng tạo nên một nền minh triết đặc thù; đã xây đắp một hệ giá trị văn hóa dựa trên nền tảng không gian núi rừng và nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy.
Cũng từ đặc điểm cư trú, cuộc mưu sinh từ hàng ngàn đời nay của biết bao thế hệ sinh ra từ buôn làng cũng lệ thuộc vào môi trường tự nhiên. Rừng và đất rừng vừa là tài nguyên, vừa là không gian cố kết cộng đồng, vừa quy định ngưỡng hành vi của cư dân miền thượng.
Ngày nay, nền tảng kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có sự biến đổi sâu sắc. Phương thức mưu sinh truyền thống với tập quán dựa vào môi trường tự nhiên gần như không còn tồn tại.
Nương rẫy của thời “phát, đốt, chọc, tỉa” mất dần; ao hồ, sông suối bị thu hẹp. Ngày nay, rừng không còn mang tính chất nguyên thủy của nó mà đã trở thành một bộ phận trong hệ sinh thái kinh tế-xã hội hiện đại. Cây công nghiệp, kinh tế dịch vụ và quy luật thị trường đang tồn tại bên cạnh những cánh rừng của phương thức kinh tế tự cung tự cấp cổ truyền.
Thế nhưng, một bộ phận người dân tộc thiểu số cao nguyên vẫn duy trì những “tàn dư” của lối suy nghĩ, cách sống với nguồn sinh kế dựa hoàn toàn vào môi trường tự nhiên.
Đồng bào phải trở thành chủ thể trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chính họ chứ không ai khác, phải biết cách tự xây dựng cho mình một đời sống căn cơ, bền vững thay cho những cuộc tiếp nhận cứu trợ chỉ giải quyết vấn đề từ ngọn.
Thực tế đã chứng minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở buôn làng nào và những con người cụ thể nào biết phát huy nội lực, có ý thức cao về ý chí tự lực, tự cường thì nơi đó, người đó, gia đình đó thành công.
Còn ở những nơi, những người còn tồn tại tính thụ động, sự thỏa hiệp, an bài trong nỗi chờ đợi hỗ trợ đến từ bên ngoài, sẽ dẫn tới hệ quả khó khăn, đói nghèo truyền kiếp. Dám thay đổi tư duy, dám làm và sáng tạo trong công việc của mình chính là câu trả lời sinh động cho sự thành công trên hành trình tìm kiếm sinh kế bền vững.
Đầu những năm 1990, xã Tân Châu (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) với 2/3 số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nằm trong danh sách những xã nghèo nhất tỉnh.
Cuộc đời nhiều thế hệ đồng bào nơi này gắn với những ngày xuyên rừng đào củ, phát nương trỉa bắp với những mùa giáp hạt ngồi trông chờ cứu trợ và những trận sốt rét rừng triền miên hành hạ.
Như một kỳ tích, Tân Châu đã chuyển mình vươn dậy, trở thành đất lành của những hộ gia đình tỷ phú, triệu phú người dân tộc thiểu số và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Giữa buôn làng giờ đây là những tòa biệt thự, những ga-ra ô-tô bên cạnh những vườn cà-phê xanh mát mắt.
Thành quả ấy có được từ quyết định đúng đắn của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự tiếp cận sớm tư duy, cung cách làm ăn mới của đồng bào.
Ở Tân Châu, trên tổng số 1.870 hộ dân đã có tới 290 hộ giàu với thu nhập mỗi hộ cả tỷ đồng hằng năm. Trong tổng số 290 hộ giàu thì có tới 244 hộ là người đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi hộ này đang sản xuất, kinh doanh từ 10 ha cà-phê trở lên.
Một thí dụ khác là buôn Ka Ming (thị trấn Di Linh, Lâm Đồng), một trong những buôn dân tộc thiểu số Cơ Ho đi đầu đổi thay cung cách làm ăn. Chủ nhiệm Hợp tác xã Ka Ming hồi thập niên 1990 là K’Sét Tambou đã mạnh dạn chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng cây lúa sang trồng cà-phê thương phẩm.
Từ tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, người Cơ Ho nơi này đã chuyển một bước cơ bản trong nhận thức khi bắt đầu sản xuất nông sản hàng hóa. Cây lúa chỉ giải quyết cái ăn, cà-phê đã giúp họ làm giàu. Khi giá cà-phê tăng cao, chỉ sau một, hai vụ là nhà lầu mọc lên san sát, những âm thanh điện tử và tiếng động cơ xe rộn rã buôn làng.
Cho đến hôm nay, Ka Ming vẫn giữ “phong độ” của một vùng cư dân biết cách làm giàu, sự giàu có mang tính bền vững. Đặc biệt, buôn làng này là đất học nổi tiếng; buôn chỉ có hơn 300 hộ dân mà có gần 200 người đã tốt nghiệp hoặc đang theo học cao đẳng, đại học, trên đại học ở trong nước…
Làm du lịch cũng là một lựa chọn, và nhiều buôn làng Tây Nguyên đã thành công theo hướng đi này. Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không phải là di sản tĩnh mà phải đóng góp vào phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay, khi rất nhiều buôn làng đón ánh hoàng hôn trong không khí trễ nải với những người trẻ, người già sà vào chiếu rượu thì ở những buôn làng khác lại sáng lên những bếp lửa văn minh. Những người trẻ ở các buôn làng ấy đã tiên phong kinh doanh du lịch bằng chính giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.
Ở vùng Tây Nguyên, đã có nhiều mô hình du lịch-văn hóa đang phát huy hiệu quả, trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận đồng bào.
Một mô hình rất đáng khích lệ là vùng đất Xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) dưới chân núi Langbiang. Chỉ vài buôn nhỏ trong một miền núi rừng heo hút, Xã Lát ngày nay đã trở thành một địa danh nổi tiếng, một điểm đến quen thuộc.
Vùng đất này nổi tiếng bởi sự đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bidup-núi Bà; bởi những giá trị quý báu của văn hóa Cơ Ho đang được phát huy. Xã Lát là một điển hình thành công của người dân tộc thiểu số làm du lịch hiện nay trên vùng đất Tây Nguyên.
Cùng với Xã Lát, du lịch cộng đồng cũng được xem là sinh kế cho người dân các buôn làng Ê Đê nội thị Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Trên địa bàn thành phố này hiện nay có bảy điểm du lịch cộng đồng, thu hút hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số tham gia (làm dịch vụ ẩm thực, biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ dân gian, nhạc cụ truyền thống, chế tác và mua bán đồ thủ công mỹ nghệ). Những sản phẩm du lịch đặc sắc đã dần thu hút du khách.
Đến nay, một số buôn làng ở thành phố Buôn Ma Thuột như Akô Dhông (phường Tân Lợi); Dhăp Rông, Ea Bông (xã Cư Êbur); Kô Tam (xã Ea Tu) đã thường xuyên kết nối với du khách trong và ngoài nước thông qua các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch trong nước.
Điểm tựa quan trọng là chính quyền địa phương đã xây dựng Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Các hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn là đối tượng áp dụng theo nghị quyết này được nhận mức hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư cho nhiều nội dung, hạng mục phát triển du lịch cộng đồng.
Các mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế-xã hội cho người dân, tạo sinh kế bền vững trong cộng đồng, nhất là lực lượng lao động trẻ ở các buôn làng có tiềm năng tham gia.
Rất nhiều cá nhân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cho mình và gia đình nguồn sinh kế bền vững.
Trong hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi ở khắp vùng Tây Nguyên, chúng tôi có thể kể tên một vài người:
Đó là anh Y Pốt Niê, người Ê Đê, Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café ở xã Dray Sáp (Krông Ana, Đắk Lắk) với thương hiệu “Ê Đê Café” nổi tiếng.
Đó là ông Păng Ting Sin người Cơ Ho ở thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương, Lâm Đồng), mạnh dạn cầm “sổ đỏ” vay vốn, sản xuất và kết nối thị trường hoa hồng; hiện vườn hoa hồng rộng 2 ha của gia đình ông cho lợi nhuận hằng năm hơn 1 tỷ đồng.
Đó là anh Điểu Ngun, người M’Nông ở xã Đắk R’Tih (Tuy Đức, Đắk Nông) đã mạnh dạn vay hơn 600 triệu đồng, nhổ bỏ cây cao-su thay thế bằng cà-phê và hồ tiêu giống mới, đồng thời kết hợp trồng xen cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi trên đất vườn nhà. Với hơn 6 ha cây công nghiệp xen canh các loại cây ăn quả, mỗi năm thu nhập của Điểu Ngun đạt gần 700 triệu đồng.
Nhiều người cũng biết đến thương hiệu “K’Ho Coffee” của Kơliêng Rolan, cô gái Cơ Ho lớn lên ở Xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Kơliêng đã khởi nghiệp thành công bằng chính hạt cà-phê Arabica, loại cà-phê đặc sản vùng núi Langbiang.
Ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk), chị H’Bích Niê Kđăm, người Ê Đê đã thành lập Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Kim Bình Mắc ca để kinh doanh các sản phẩm chế biến từ hạt mắc ca và sản xuất, kinh doanh rượu cần truyền thống Ê Đê đạt doanh thu hằng năm hơn 2,3 tỷ đồng…
Chúng tôi dẫn chứng về những mô hình, những cá nhân thành công với mong muốn chuyển đi những thông điệp lạc quan từ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhân tố quan trọng nhất chính là tinh thần chủ động và thái độ tích cực trong cung cách làm ăn của đồng bào cần phải thay đổi để đời sống khá lên. Họ mới thật sự là chủ thể trong công cuộc kiếm tìm sinh kế, kiếm tìm con đường no ấm và hạnh phúc của chính mình…
(Còn nữa)