Thực trạng dân di cư tự do tại Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Tìm giải pháp cho vấn đề di cư tự do -

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án quy hoạch đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do (DCTD). Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn cho nên đến nay các dự án vẫn còn dở dang; hàng nghìn hộ dân chưa được sắp xếp cuộc sống ổn định.

 Trẻ em đồng bào các dân tộc trong thư viện của một trường tiểu học tại tỉnh Đác Nông.
Trẻ em đồng bào các dân tộc trong thư viện của một trường tiểu học tại tỉnh Đác Nông.

Để Tây Nguyên phát triển bền vững, việc quan trọng là các tỉnh trong khu vực cần giải quyết vấn đề dân DCTD; mấu chốt là ngăn chặn dòng người mới đến và tăng cường nguồn lực để ổn định đời sống những hộ dân đã đến sinh sống theo con đường này...

Đã có nhiều nỗ lực

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ năm 2005 đến 2016, tổng số hộ dân DCTD đến Tây Nguyên đã được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch được duyệt là 14.090 hộ; trong đó, tỉnh Đác Lắc bố trí được 2.986 hộ, Đác Nông 2.652 hộ, Gia Lai 2.416 hộ, Kon Tum 2.319 hộ và Lâm Đồng 3.717 hộ. Riêng giai đoạn 2013-2016, các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch, xây dựng 30 dự án bố trí dân DCTD được phê duyệt, với nhu cầu bố trí dân cư là 13.225 hộ; tổng số vốn được duyệt là hơn 1.600 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.400 tỷ đồng, ngân sách các địa phương hơn 212 tỷ đồng và 4 tỷ đồng vốn khác. Tuy nhiên, đến hết năm 2016, tổng nguồn vốn được giải ngân mới chỉ đạt hơn 691 tỷ đồng. Vì vậy, đến nay trong số 30 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD trên địa bàn, chỉ có hai dự án hoàn thành. Các dự án còn lại dở dang và chỉ mới bố trí được 5.274 hộ dân; còn 7.951 hộ dân DCTD vẫn chưa được sắp xếp nơi ở và sản xuất ổn định.

Đác Lắc là tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, xây dựng các dự án bố trí, sắp xếp dân DCTD. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 17 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD; trong đó, có 15 dự án đã được phê duyệt, với tổng nguồn vốn được duyệt hơn 877,8 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương hơn 656,9 tỷ đồng, vốn địa phương và vốn khác hơn 220 tỷ đồng để bố trí, sắp xếp cho 4.982 hộ với 24.910 khẩu dân DCTD. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế, cho nên tỉnh mới triển khai được 13 dự án, nhưng các dự án này đều chưa hoàn thành. Do vậy, tỉnh mới chỉ sắp xếp được 2.989 hộ với 9.697 khẩu dân DCTD vào sinh sống ổn định.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2005-2016, có 3.725 hộ dân DCTD được quy hoạch vào vùng dự án, với tổng vốn thực hiện 502,9 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hơn 402,3 tỷ đồng và địa phương hơn 100 tỷ đồng. Giai đoạn 2013-2017, tỉnh Lâm Đồng đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD gồm năm dự án, với 4.040 hộ; trong đó, một dự án đã hoàn thành (176 hộ), bốn dự án đang thực hiện (2.155 hộ), nhưng gặp khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn đầu tư; đã bố trí ổn định 565 hộ, số hộ cần tiếp tục sắp xếp là 1.709 hộ. Từ năm 2005 đến 2017, tỉnh Đác Nông đã bố trí, sắp xếp ổn định 2.736 hộ, với 9.990 khẩu vào các dự án tập trung, xen ghép. Trong số 11.511 hộ, với 51.753 khẩu còn lại chưa được bố trí, sắp xếp ổn định, có 5.703 hộ, với 17.995 khẩu nằm trong 10 dự án quy hoạch đã được phê duyệt và đang thực hiện đầu tư, còn lại 5.808 hộ, với 33.758 khẩu đang sống rải rác trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc các khu rừng sản xuất, phòng hộ.

Thực trạng dân di cư tự do tại Tây Nguyên (Tiếp theo và hết) (*) ảnh 1

Một khu định cư của dân di cư tự do ở xã Ea K'bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc.

Khảo sát cho thấy, nhìn chung, đời sống của dân DCTD thuộc tỉnh Kon Tum tương đối ổn định, do sống xen ghép với các thôn, bản khác trong khu dân cư. Tại Kon Tum không có dự án hỗ trợ theo Quyết định 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum Trần Văn Chương cho biết, Kon Tum có điều kiện đất đai không màu mỡ như các tỉnh khác ở Tây Nguyên; điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cho nên sức ép của dân DCTD đến tỉnh có phần nhẹ hơn đối với các tỉnh khác trong vùng.

Các tỉnh Tây Nguyên đều có kế hoạch rà soát lại quy hoạch, bổ sung xây dựng dự án ổn định, bố trí sắp xếp lại dân DCTD. Khi xây dựng các dự án DCTD đều thực hiện đồng bộ các giải pháp; huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc đầu tư thực hiện các dự án ổn định dân DCTD và dự án di dời dân ra khỏi rừng, vùng lũ quét, sạt lở đất trong điều kiện ngân sách hạn hẹp là khó khăn lớn của toàn khu vực.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Nhìn chung, trong những năm qua, dân DCTD đã tạo nguồn lao động dồi dào, góp phần khai thác tài nguyên, xây dựng nền kinh tế - xã hội của địa bàn chiến lược. Hầu hết dân DCTD có tinh thần tự lực cao, cần cù, chịu khó. Nhiều điểm 100% số hộ là dân DCTD, nhưng đã hình thành nên các đơn vị hành chính, trình dộ dân trí ngày một nâng lên, kinh tế phát triển. Tuy nhiên, dân DCTD thường sống rải rác, cách xa các khu trung tâm, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, do đó, không có điều kiện học tập, khám, chữa bệnh và thụ hưởng các phúc lợi xã hội, đời sống vật chất và tinh thần thấp so với mặt bằng chung. Những nguyên nhân nêu trên đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lôi kéo, kích động, gây mất ổn định an ninh, chính trị và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc đang cùng chung sống.

Sau nhiều hệ lụy là rất nhiều cái khó đòi hỏi các cấp, các ngành phải chung tay giải quyết. Cái khó nhất là việc có nên “hợp thức hóa” vấn đề DCTD. Do chưa tìm được tiếng nói chung cho nên chưa tìm được giải pháp cụ thể quyết định tương lai của người dân DCTD. Không được tạo điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu thì sẽ bị cưỡng chế ra khỏi địa bàn, bà con biết đi về đâu? Rõ ràng, việc giải quyết vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn, nếu không cân nhắc sẽ vô tình tạo tiền lệ xấu cho những hộ dân khác ồ ạt di cư vào.

Cái khó thứ hai là vấn đề tìm nguồn vốn để phân bổ cho các dự án ổn định dân DCTD và cả sự thiếu hụt quỹ đất. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng: “Khó khăn về vốn thì đã quá rõ. Đối với việc bố trí chỗ ở, đất sản xuất của dân DCTD chắc chắn liên quan đến rừng và đất rừng, chứ không có khu quy hoạch nào có sẵn để bố trí. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể đưa họ trở về quê cũ. Vấn đề là tháo gỡ, giải quyết như thế nào. Phần lớn ý kiến đề nghị là tái định cư tại vị trí bà con đã chọn. Nhưng muốn làm được điều đó, thì vấn đề đặt ra là đất ở, đất sản xuất phải chuyển đổi từ đất rừng. Đất rừng sản xuất thuộc thẩm quyền địa phương, còn rừng phòng hộ thì không. Về mặt nhân văn thì làm được, nhưng không đúng luật”.

Làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến lưu ý, các địa phương cần tiếp trục rà soát lại các hộ dân DCTD, hoàn thành bố trí xây dựng khu tái định cư, tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, giúp dân di cư ổn định cuộc sống. Còn theo Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Y Thông Niê, giải pháp quan trọng là các tỉnh trong vùng tiếp tục điều chỉnh các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD đã quy hoạch và được phê duyệt nhưng chưa có kinh phí thực hiện để báo cáo các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ theo kế hoạch từng năm. Đối với số dân đang sống trong vùng xung yếu, trọng điểm của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cần có biện pháp xử lý, kiên quyết đưa ra khỏi rừng để bố trí vào dự án theo quy hoạch.

Từ thực tế Tây Nguyên, chúng tôi cho rằng, về lâu dài, cùng với việc triển khai thực hiện đúng tiến độ và mục tiêu các dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã được phê duyệt, các tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn ổn định dân cư theo hình thức xen ghép, nhằm giảm chi phí và khó khăn về quỹ đất. Các tỉnh trong khu vực cần rà soát, thống kê đầy đủ nhu cầu đất ở, đất sản xuất để đề xuất Chính phủ xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết khó khăn cho người dân DCTD. Đồng thời các bộ, ngành phối hợp các địa phương triển khai thực hiện tốt Kết luận số 30 của Bộ Chính trị và các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư và thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Vì có ổn định được dân DCTD mới giúp Tây Nguyên ổn định, phát triển nhanh và bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đều thống nhất: Để đạt được mục tiêu nêu trên thì cần có chính sách vĩ mô, sự hỗ trợ đồng bộ của Trung ương và các tỉnh nơi có dân đi. Trung ương cần sớm bố trí kinh phí kịp thời, đúng theo kế hoạch để các tỉnh Tây Nguyên có vốn đầu tư hoàn thành các dự án hiện còn dang dở, để sớm bố trí, sắp xếp ổn định đời sống dân cư. Quan tâm đầu tư ngân sách cho các địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, ổn định dân cư tại chỗ, nhằm giảm lực đẩy, để người dân không rời khỏi địa phương đến nơi ở mới. Các bộ, ngành trung ương cần có hướng dẫn kịp thời để các tỉnh có dân DCTD đến, quản lý dân cư tốt hơn về mặt pháp luật; đồng thời, người dân cũng sẽ được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định mốc thời gian và biện pháp áp dụng cụ thể đối với việc xử lý tình trạng dân DCTD theo từng thời điểm; gắn trách nhiệm địa phương có dân DCTD đi với tỉnh có dân đến, giải quyết những vấn đề phát sinh; xem xét có chính sách phù hợp, chủ động có quy hoạch, kế hoạch điều hòa dân cư trong phạm vi cả nước, giao nhiệm vụ cho tỉnh có dân đi và dân đến để chủ động kế hoạch di dân và tiếp nhận dân, nhằm hạn chế tối đa tình trạng dân DCTD.

* Bài 1: Điểm nóng dân di cư tự do

*Bài 2: Phá vỡ quy hoạch, gây nhiều hệ lụy

--------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 6-12-2017.