Thực trạng dân di cư tự do tại Tây Nguyên (Kỳ 2)

Bài 2: Phá vỡ quy hoạch, gây nhiều hệ lụy -

Do số lượng dân di cư tự do (DCTD) kéo đến Tây Nguyên quá lớn, đã tác động đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí dân cư, gia tăng tình trạng phá rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác. Nếu không sớm kiểm soát tình hình, có nguy cơ làm mất ổn định khu vực Tây Nguyên.

Trẻ em ở một điểm định cư đã ổn định.
Trẻ em ở một điểm định cư đã ổn định.

Nhiều tác động tiêu cực

Ðồng chí Y Thông Niê, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định: Tình trạng dân DCTD kéo đến Tây Nguyên với số lượng và quy mô quá lớn trong một thời gian dài đã tác động đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí dân cư, gia tăng tỷ lệ đói nghèo, tệ nạn xã hội, gây xáo trộn trong cộng đồng, khó khăn cho công tác quản lý hành chính... Ðặc biệt, số lượng dân DCTD quá lớn đã xâm hại đến rừng tự nhiên, gia tăng tranh chấp, mua bán đất đai bất hợp pháp; làm mất an ninh - trật tự. Các dự án quy hoạch ổn định dân DCTD tập trung khó thực hiện do không có quỹ đất, nhiều hạng mục đầu tư cần nguồn vốn lớn... Vì vậy, nhiều dự án đã phê duyệt không thực hiện được vì thiếu kinh phí.

Nêu thực trạng tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Ðoàn Văn Việt cho rằng, Lâm Ðồng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều về DCTD. Dân DCTD tăng đột biến đã phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề nhu cầu đất ở, đất sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng cũng cho biết, các hộ dân DCTD đến địa phương phần lớn là những hộ nghèo, trình độ học vấn thấp. Mặt khác, họ đến sinh sống, sản xuất trong rừng, ven rừng ở vùng sâu, vùng xa cho nên việc đầu tư, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn. DCTD làm tăng đột biến dân số cơ học tại vùng nhập cư, khiến chiến lược dân số bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính địa phương; phát sinh tranh chấp đất đai, nạn phá rừng làm rẫy gia tăng, ảnh hưởng công tác quản lý bảo vệ rừng, môi trường sinh thái.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ðác Lắc Nguyễn Hoài Dương, phần lớn các hộ dân DCTD đến Ðác Lắc đều cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2016 của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và DCTD chiếm đến 61%. Bên cạnh đó, trong vùng dân DCTD, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mê tín dị đoan, tỷ lệ sinh đẻ cao, tình trạng thất học, mù chữ, hoạt động tôn giáo trái phép... diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng. Từ khảo sát của nhóm phóng viên, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Ðác Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Không chỉ hàng nghìn hộ dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp mà ngay các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD tại các tỉnh Tây Nguyên cũng bị phá vỡ quy hoạch. Bởi sau khi các tỉnh lập dự án, bố trí sắp xếp hộ dân vào vùng quy hoạch, tạo điều kiện cho dân DCTD sớm ổn định nơi quê hương mới thì dân DCTD lại tiếp tục kéo vào, dẫn đến tình trạng quá tải. Các dự án chưa kịp bố trí, sắp xếp ổn định dân cư đã có, thì nhiều hộ dân khác lại đến, cho nên phải điều chỉnh lại mục tiêu dự án hai, ba lần như các dự án Ea Lang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông), dự án xã Cư K’bang, huyện Ea Súp (Ðác Lắc); dự án Tây Sơn, tiểu khu 179 xã Liêng S’ronh, huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng); các dự án tại hai tỉnh Gia Lai và Ðác Nông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các dự án bị phá vỡ, xáo trộn đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng công cuộc xóa đói, giảm nghèo của các địa phương.

Thực trạng dân di cư tự do tại Tây Nguyên (Kỳ 2) ảnh 1

Bản mới của dân di cư tự do tại Tiểu khu 179 - Liêng S'ronh, huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Ðồng

Sức hấp dẫn… tạo nên sự bị động

Tây Nguyên có điều kiện sản xuất thuận lợi, khí hậu ôn hòa đã tạo lực hút lớn đối với dân DCTD. Trong khi đó, tại nơi người dân ra đi lại có lực đẩy khá lớn. Các tỉnh miền núi phía bắc có địa hình phức tạp, thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, đời sống đồng bào khó khăn, phần lớn thuộc diện nghèo đói. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước chưa được các cấp, các ngành ở một số địa phương quan tâm đúng mức. Kẻ xấu lợi dụng những khó khăn nêu trên đã lôi kéo, kích động người dân DCTD. Trong khi đó, Tây Nguyên có địa hình phức tạp, cho nên việc quản lý, theo dõi địa bàn gặp nhiều khó khăn. Dân DCTD thường kéo đến sinh sống theo dòng họ, làng bản, người đi trước lôi kéo người đi sau. Chính quyền nơi đến rất dễ rơi vào bị động và nếu không sâu sát địa bàn, sẽ khó nắm bắt sự biến động dân số. Sự bị động này sẽ dẫn tới nhiều vấn đề nan giải.

Khi nhìn nhận về vấn đề DCTD, các đồng chí lãnh đạo thuộc địa bàn Tây Nguyên đều cho rằng, về mặt tích cực, hầu hết người dân DCTD đều khao khát đổi đời, siêng năng lao động. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng di cư "vô tổ chức" này là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp cho địa phương. Dân DCTD sống rải rác cho nên nhiều địa phương không nắm được tình hình để quản lý, chỉ đạo…

Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân DCTD vào phát rừng làm rẫy trong một thời gian dài nhưng chính quyền và ngành chức năng các địa phương phát hiện quá muộn. Ðến khi phát hiện mới lập đoàn công tác kiểm tra, rồi triệu tập các hộ để thống kê. Ðồng thời, ngành chức năng họp dân, tuyên truyền công tác cam kết quản lý bảo vệ rừng, cam kết bảo vệ an ninh - trật tự và vận động các hộ tự giác rời bỏ khu vực rừng cấm. Nhưng họp xong thì đâu lại vào đấy, vì người dân không có lựa chọn nào khác. Thậm chí, khi được tiếp xúc với chính quyền, các hộ này đều có chung nguyện vọng là xin được định cư lâu dài tại nơi xâm canh để sản xuất, sinh sống. Rất nhiều người trong số đó ngoài đốt rừng làm rẫy là tiếp tay cho các đối tượng khai thác lâm sản trái phép…

Cơn khát đất trên vùng đất mới

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho biết, giai đoạn 2016-2020, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 11.642 hộ DCTD đang sinh sống phân tán, chưa được sắp xếp ổn định vào các vùng dự án. Còn thống kê của các địa phương thì hiện nay, số hộ dân DCTD có đất ở, đất sản xuất chỉ khoảng 20%, còn khoảng 80% phải đi làm thuê. Phần lớn các hộ này chưa có hộ khẩu; một số hộ tiếp tục di dịch từ xã này sang xã khác trên cùng một huyện. Chủ tịch UBND huyện Krông Bông (Ðác Lắc) Huỳnh Bài phản ánh: Toàn huyện còn 150 hộ dân DCTD chưa được bố trí vào các dự án. Mở các dự án mới thì không thể vì huyện đã hết quỹ đất…". Ðó cũng là tình trạng chung của toàn vùng Tây Nguyên.

Anh Hoàng Trung Tiến, Thôn trưởng thôn Ea Lang, thuộc dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết, gia đình anh DCTD vào khu vực này vào năm 1996. Thời điểm đó khu vực này toàn là rừng già. Do không có đất ở và đất sản xuất, người dân phá dần, lấn chiếm dần cho nên đến nay, khu vực rộng lớn này không còn rừng. Chỉ cánh tay về phía ngọn đồi cao trơ trọi, anh Tiến nói: "Ðất ở trên đỉnh đồi kia cũng đã có người chiếm giữ hết. Bữa nay không còn đất để lấn chiếm. Những người di cư vào sau phải mua lại đất của người khác, nhưng nhiều gia đình vào đây chỉ với hai bàn tay trắng, không có tiền, phải đi làm thuê kiếm sống, khiến cuộc sống hết sức khó khăn. Vì vậy, một số gia đình theo người thân vào đây ở được một thời gian lại tiếp tục di cư đến địa phương khác sinh sống". Chủ tịch UBND xã Cư K’bang (huyện Krông Bông) Ðàm Văn Hà, phản ánh thực trạng địa phương: "Phần lớn các hộ dân đưa vào vùng dự án đều được cấp đất ở với diện tích 500 m2/hộ. Tuy nhiên, đến nay toàn xã vẫn còn 182 hộ dân DCTD chưa có đất ở và 380 hộ chưa có đất sản xuất, cuộc sống hết sức khó khăn".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro (Gia Lai) Huỳnh Ngọc Ẩn, sau khi phá rừng, hầu hết dân DCTD đồng loạt làm đơn xin được định cư ổn định tại địa điểm đang sản xuất. Huyện đã trả lời là không thống nhất cho các hộ dân định cư trên đất lâm nghiệp, phải di dời đến điểm bố trí do huyện sắp xếp. Hiện nay, huyện đã yêu cầu các hộ dân cam kết không lấn chiếm đất, phá rừng, ken cây... tại khu vực sản xuất gần rừng, liền rừng; không được xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. Huyện cũng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân DCTD mua bán, chuyển nhượng đất bất hợp pháp, tranh chấp lấn chiếm đất đai phá rừng làm nương rẫy; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân DCTD trở về nơi cư trú ban đầu.

Tiểu khu 179 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Sê-rê-pốk thuộc xã Liêng S’ronh, huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng) là một khu rừng già, đã trở thành "điểm tập kết" dân DCTD từ lâu. Ông Ma Seo Cháng, quê Hà Giang, một trong những người đầu tiên di cư vào tiểu khu này cho biết, nơi này vừa mới đón thêm một số hộ đồng bào từ các tỉnh phía bắc vào lập nghiệp. Họ dựng những căn nhà tre nứa tạm bợ bên sườn đồi; có gia đình, hai, ba thế hệ cùng chung sống. Thí dụ như gia đình ông Vừ Sềnh Tùng (quê Ðiện Biên), cả gia đình hơn mười người, nhưng không có đất sản xuất, không biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao…

(Còn nữa)

* Bài 1: Điểm nóng dân di cư tự do

------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 6-12-2017.