Những cán bộ phụ trách di sản của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kể lại rằng, họ thật sự “choáng” khi tiếp xúc với lão nghệ nhân Ngô Văn Đảm. Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực ca trù, nhưng động đến lĩnh vực âm nhạc truyền thống khác, ông cũng nói được… cả ngày. Nói đến đâu, ông có thể trình diễn thị phạm đến đấy, bằng nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau, từ đàn bầu, đàn đáy, cho đến nhị hay đàn nguyệt. Rất hiếm người ở tuổi ngoài 90 vẫn có sức khỏe, trí tuệ mẫn tiệp đến thế.
Nếu không phải do dịch Covid-19 cách trở, ông vẫn đi diễn quanh Hà Nội bằng xe buýt. Dịp cuối tuần, vẫn có thể gặp ông ở chiếu xẩm trong không gian phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ông cũng sẵn sàng lưu diễn nơi xa, nếu có xe đưa đón. Cách đây hai năm, khi Liên hoan Ca trù toàn quốc tổ chức tại Hà Tĩnh, nghệ nhân Ngô Văn Đảm vẫn vào miền trung, đại diện cho ca trù Hà Nội lên sân khấu cầm roi chầu như bình thường. Ông và nhóm biểu diễn đã giành được giấy khen cho tiết mục biểu diễn xuất sắc. Ở đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân lần này, ông là một trong những nghệ nhân nổi bật nhất của Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Nghệ nhân Ngô Văn Đảm sinh ở “đất chèo” Thái Bình. Hồi nhỏ, cậu bé Đảm theo bà đi làm thuốc hết làng nọ đến làng kia. Từ những chuyến “du hành” ấy, tiếng nhị, những điệu ngâm nga của những người hát xẩm đã vẳng đến tai cậu bé. Cứ nhẩm hát theo mãi thành quen. Thế rồi mê lúc nào không hay. Cậu bắt đầu học các loại nhạc cụ. 8 tuổi đã biết kéo nhị, nhạc cụ nổi bật nhất của hát xẩm. Nhưng ca trù mới là duyên, là nợ. Hồi ấy, ở làng Cao Bạt quê cậu Đảm thi thoảng có những canh hát ca trù. Mê quá, mà trẻ con nhà nghèo không được mon men đến gần, cậu bé Đảm xin đứng quạt hầu cho các quan viên. Vừa quạt, vừa học lỏm những ngón đàn, điệu hát. Ấy thế mà chưa đầy 10 tuổi, cậu đã có thể cầm roi chầu, thứ vốn dành cho các quan viên sành thơ, sành nhạc.
“Tôi vốn được ông dạy cho chữ Hán, khi nghe ca trù, tôi nhận thấy từng câu, từng từ, từng tiếng đàn, giọt phách đều ẩn chứa những tâm tình sâu lắng. Đó là loại hình âm nhạc cao sang. Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại, được lên Hà Nội, tôi đã tìm đến các danh ca, danh cầm bậc nhất thời bấy giờ như cụ Quách Thị Hồ để học hỏi”, lão nghệ nhân nhớ lại. Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, nơi có nhiều ca nương, kép đàn ca trù tài danh nhất cả nước.
Hồi ấy, nhiều danh ca, danh cầm còn ở độ tuổi sung sức, cho nên dẫu hoàn cảnh đất nước khó khăn, nghệ nhân Ngô Văn Đảm vẫn học hỏi được nhiều kiến thức, cũng như các kỹ thuật đàn hát của ca trù từ nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Văn Du… Không được đào tạo bài bản, nhưng điểm yếu đấy được bổ khuyết bằng tình yêu và niềm đam mê vô tận. Hễ gặp nghệ nhân nổi tiếng nào, dù là hát xẩm hay chầu văn, ông đều tìm cách học hỏi. Riêng với ca trù, nghệ nhân Ngô Văn Đảm vừa là tay cầm chầu cự phách, vừa là một người nghiên cứu, với kiến thức uyên thâm. Ông cũng đồng thời là người sáng tác thơ dành cho ca trù, với những ý tứ mới mẻ.
Năm 2000, nghệ nhân Ngô Văn Đảm cùng những người yêu cổ nhạc thành lập Câu lạc bộ Ca nhạc truyền thống (Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội). Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, ông đã trao truyền tình yêu, kiến thức và đào tạo được nhiều thế hệ nghệ nhân tài năng. Một trong số đó là Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai. Trong nhiều năm, nghệ nhân Ngô Văn Đảm chính là người cầm roi chầu trong những canh hát ca trù của ca nương Vân Mai. Ở cái lứa tuổi mà bạn bè đều đã “tiên du giá hạc”, nhưng nghệ nhân Ngô Văn Đảm không cảm thấy cô đơn.
Ông say mê biểu diễn, vì coi đó là cơ hội để cộng đồng, để giới trẻ hiểu hơn về ca trù, về âm nhạc dân tộc. Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng trong khoảng hơn 10 năm qua, nghệ thuật ca trù đang hồi sinh một phần có những đóng góp của ông. Nghệ nhân Ngô Văn Đảm tin tưởng: “Với thực tế nghiên cứu, tổ chức của các câu lạc bộ hiện nay, ca trù đang từng bước thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và đã đến lúc chúng ta đề nghị UNESCO đưa ca trù khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp” .