Chương trình là sự phối hợp giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, đồng thời cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5/2023, kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2023.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết, với hơn 250 tài liệu, hiện vật gốc và các tài liệu bổ trợ phản ánh một số nét đặc trưng văn hóa người Mường, tỉnh Hòa Bình đã được trưng bày lần này.
Thông qua các hiện vật, tài liệu, du khách và người dân thành phố Cảng có dịp được tiếp xúc, tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm để thêm hiểu về những di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Các hiện vật đặc sắc của văn hóa Mường lần đầu tiên được giới thiệu tại Hải Phòng. |
Đặc biệt, lần đầu tiên tại phòng trưng bày này, quý khách sẽ được tìm hiểu về giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường; Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) và Lễ hội Khai Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình rất phong phú, đa dạng, đã trở thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Trong đó, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa-du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững...
Anh Nguyễn Văn Thanh, ở phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) chia sẻ, xem trưng bày các hiện vật và trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật, ẩm thực tại chỗ đã giúp anh cùng mọi người mường tượng được đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Mường ở Hòa Bình - nơi được coi là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng cách ngày nay trên hai vạn năm, nơi sinh ra sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” nổi tiếng...
Thông qua những chiếc trống đồng, chiêng quý giá được lưu giữ cùng những điệu múa, câu hát, với rượu cần, cơm lam, thịt nướng và trang phục của các diễn viên biểu diễn... đã giúp mọi người như được tham dự các lễ hội rộn rã, tưng bừng đậm nét văn hóa của người Việt cổ.
Học sinh và du khách trải nghiệm ẩm thực độc đáo của người Mường Hòa Bình ngay tại thành phố Cảng. |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ, “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” được trưng bày không chỉ là sự kết hợp và giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần tạo không khí sôi động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, du khách và như một khẳng định Hải Phòng luôn khát vọng vươn xa “Tỏa sáng miền cửa biển".
Đây cũng là hoạt động thiết thực giúp các thế hệ sau thấu hiểu những giá trị nhân văn, nếp sống, cách nghĩ, tâm hồn, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc Mường nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Các phong tục độc đáo của người Mường cũng được giới thiệu. |
Cùng với các trải nghiệm thú vị thông qua các mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở..., người dân và du khách còn được hòa mình cùng những bản hoà tấu trống chiêng, những câu hát, điệu múa suối nguồn độc đáo của người Mường; những món ăn đặc trưng, đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng vô cùng độc đáo, hấp dẫn như rượu cần, cơm lam, cỗ lá...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai khẳng định, chuyên đề trưng bày “Di sản Văn hóa tiêu biểu dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” là cơ hội tốt để quảng bá, lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa...
Chuyên đề trưng bày sẽ diễn ra đến ngày 10/6.