Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

NDO - Ngày 21/11 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg (Chỉ thị 30/CT-TTg) ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg (Chỉ thị 30) ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg (Chỉ thị 30) ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Chỉ thị số 30 /CT-TTg đến các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Tập trung tổ chức triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ các hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn, cách thức tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện và tiến độ hoàn thành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, nhấn mạnh, hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng, rất đặc biệt quan trọng. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đứng trước cơ hội, vận hội mới, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đi vào giàu có và thịnh vượng.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ảnh 1

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp văn hóa được xem là một trung tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và sắp tới sẽ đưa vào văn kiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng thì văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm, một trong những vấn đề hàng đầu của đất nước.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, sẽ thông qua ba thể chế rất quan trọng, đó là Quốc hội đang bàn và sẽ biểu quyết thông qua sẽ đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, thứ hai là sửa đổi Luật Quảng cáo và sửa đổi Luật Di sản.

Riêng về công nghiệp văn hóa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành một chỉ thị trên cơ sở đánh giá về sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2016-2024 này. Thủ tướng yêu cầu Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch cùng với các bộ ngành liên quan, làm đầu mối trình Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

“Tại hội nghị này, chúng ta vừa quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TTg, vừa bàn sâu, và lắng nghe thêm về những vấn đề liên quan phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phù hợp xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam”, Thứ trưởng Hồ An Phong, nhấn mạnh.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, chia sẻ, từ năm 2015 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc, đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.

Thành phố Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.​

Theo ông Hồ Kỳ Minh, bên cạnh các kết quả khả quan mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế;

Các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Hiện thành phố Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ảnh 3

Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng được tổ chức thành công, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn triển khai phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian qua nhìn từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp…

Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua cũng như các giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, phát triển công nghiệp văn hóa.

Hội nghị diễn ra đến hết ngày 22/11.