Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố tổ chức, với sự tham gia của các sở, ngành địa phương, trường đại học, các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố, cùng các chuyên gia môi trường từ Nhật Bản và Liên bang Nga.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc, bùn thải thu gom trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang gây áp lực đến công tác xử lý vì sức chứa của các hộc chôn lấp sắp đầy.
Khối lượng bùn thải thu gom được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chưa tận dụng được nguồn tài nguyên từ chất thải để làm phân bón, khí đốt, chất đốt thay thế nguyên liệu than tổ ong, hoặc tận dụng làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi-măng. Do vậy, cần tìm giải pháp tái sử dụng bùn thải phát sinh có hàm lượng chất hữu cơ cao, tránh lãng phí nguồn tài nguyên từ bùn thải.
Quang cảnh hội thảo. |
Để xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và đề xuất dự án xử lý bùn thải của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh và được UBND thống nhất để thực hiện dự án nhà máy xử lý phân bùn bể phốt.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất một số phương pháp xử lý bùn bằng các phương pháp sinh học, công nghệ xử lý bùn thải, công nghệ giảm sinh khối của Nhật Bản, công nghệ nhiệt sinh học của Nga nhằm tái sử dụng cho các mục đích như: phân bón trong nông nghiệp, sản xuất biogas hay viên đốt sinh năng lượng,...
Bùn thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay phát sinh từ các trạm xử lý nước thải đô thị, trạm xử lý nước thải công nghiệp, bùn bể tự hoại và quá trình thông tắc, nạo vét hệ thống thoát nước đô thị; được các đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý tại bãi rác Khánh Sơn. Theo đó, khối lượng các loại bùn thải thông thường được xử tại bãi rác Khánh Sơn trong năm 2023 là hơn 50 nghìn tấn.