Nhằm triển khai thí điểm các giải pháp cụ thể để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xử lý chất thải theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/4/2024 về thí điểm quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận năm 2024 - 2025.
Kế hoạch nêu rõ: Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý; thiết lập mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của quận; đồng thời quản lý tốt nguồn chất thải, tái sử dụng hiệu quả; giảm lượng rác thải chôn lấp, tiết kiệm kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, việc thí điểm quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt được triển khai thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ trong thời gian từ tháng 4/2024 đến hết tháng 12/2025; từ ngày 1/1/2026 sẽ triển khai đồng bộ trên địa bàn quận.
Căn cứ vào tính chất và nguồn phát sinh chất thải, quận hướng dẫn các phường phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành bốn nhóm, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại. Bên cạnh đó là khung thời gian thu gom và cách thức thu gom được các đơn vị thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường thực hiện theo từng loại phù hợp, hiệu quả.
Tại phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), một trong số những phường đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn từ năm 2006, các hộ dân được hướng dẫn phân loại thành rác vô cơ và rác hữu cơ ngay tại nhà, đựng vào hai thùng rác mầu vàng và mầu xanh tương ứng với mỗi loại. Khoảng 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày, người dân mang rác hữu cơ đổ vào thùng nhựa lớn mầu xanh và bốn ngày một lần đổ rác vô cơ vào thùng lớn mầu vàng ở đầu ngõ.
Thời gian đầu, việc phân loại, thu gom rác thải được thực hiện quy củ, nhưng khi một số công nhân môi trường đổ chung các loại rác vào một xe vận chuyển thì người dân bắt đầu không phân loại nữa. Những tháng sau đó càng ít hộ dân thực hiện phân loại rác và sau hai năm kết thúc thí điểm thì hầu như không còn ai phân loại rác tại nguồn. Theo đại diện Ủy ban nhân dân phường Phan Chu Trinh, do công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác gần mười năm trước còn nhiều hạn chế, nhất là việc thu gom gộp cả hai loại rác thải, dẫn đến hiệu quả phân loại rác chưa cao, ảnh hưởng đến ý thức của người dân. Còn việc thí điểm phân loại rác thải giờ đây có nhiều thuận lợi hơn khi công nghệ thu gom, xử lý rác ngày càng hiện đại. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng nâng cao.
Đại diện Phòng Kinh doanh và Truyền thông, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, căn cứ trên tình hình thực tế, chương trình phân loại rác được xây dựng phù hợp, dễ thực hiện. Đáng chú ý, chính quyền các quận đã trực tiếp chỉ đạo các phường xây dựng chương trình và phương án phân loại rác thải cụ thể, phù hợp từng địa bàn.
Bên cạnh đó, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của thành phố Hà Nội cũng có nhiều thay đổi và ngày càng hiện đại. Người dân cần phân loại rác tái chế, gồm các nhóm chính là giấy, nhựa, kim loại và rác thải còn lại. Nhóm rác thải tái chế sẽ được đưa vào nhà máy xử lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Có được sự chung tay ủng hộ của người dân, chương trình phân loại rác sẽ thành công.