Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt; nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 7/7/2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với các hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ cam kết hoặc phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận.
Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống. Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài, nhưng là khó khăn trước mắt. Trong khi đó, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đang là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn ở nước ta hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu ý kiến tại Diễn đàn. |
Chia sẻ thông tin về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thành Lam (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng hơn 67 nghìn tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38 nghìn tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29 nghìn tấn/ngày.
Về công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, số liệu thống kê cho thấy: Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, trong đó đô thị đạt 96,60%, khu vực nông thôn đạt 77,69% (số liệu báo cáo của 61 tỉnh, thành phố). Về công tác xử lý chất thải sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn, phân hữu cơ 30 cơ sở (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 1.178 cơ sở (chiếm 76,1%) trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ thông tin tại Diễn đàn. |
Tuy nhiên, hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta gặp còn không ít khó khăn, hạn chế như: Chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Ngoài ra, các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu; nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư cho lĩnh vực này còn hết sức khiêm tốn.
Ông Nguyễn Thành Lam cho biết thêm: Trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, tình hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công. Tuy nhiên, sau khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Không phải trả chi phí thu gom, vận chuyển; Chất thải thực phẩm: Được tận dụng, tái chế làm thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ vi sinh; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tại văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Cụ thể, Nhóm 1, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm 2, chất thải thực phẩm bao gồm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Nhóm 3, chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại.
Trên cơ sở hướng dẫn nêu trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sớm xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, và các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó lưu ý một số nội dung sau: Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay, nhất là về trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết, nguồn kinh phí. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp trong việc phân loại rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn thời gian tới.