Thu gom, xử lý rác thải đúng quy định

Những năm qua, công tác thu gom, xử lý rác thải của Thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên do lượng rác thải ngày càng tăng, hạ tầng xử lý rác bị quá tải, chất lượng công tác thu gom chưa đạt yêu cầu, phát sinh nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: THẾ BÌNH)
(Ảnh minh họa: THẾ BÌNH)

Dọc các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những thùng rác không nắp đậy, thậm chí các đống rác thải... nằm ở ngay dưới lòng đường. Điều này không chỉ khiến cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường, mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Tại nhiều tuyến đường như: Xuân La, Nguyễn Văn Huyên, Đội Cấn, Đỗ Đức Dục... không ít những chiếc xe gom rác nằm ngổn ngang ở góc đường, có nơi rác thải còn vương vãi khắp mặt đường. Thậm chí có những điểm trở thành nơi tập kết rác thải lưu động khi chờ xe chở rác, ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong khu vực.

Tại một số quận nội đô Hà Nội, việc bố trí nhiều điểm trung chuyển rác còn thiếu hợp lý. Có điểm được bố trí ngay gần công viên, vườn hoa, nơi người dân thường xuyên đi dạo, tập thể dục, thư giãn. Có điểm ngay gần trường học, nơi có đông học sinh và cần môi trường trong lành. Lại có điểm tập kết bố trí ngay sát khu chợ khiến mùi rác thải tỏa ra, ảnh hưởng việc kinh doanh của các tiểu thương và nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nhiều điểm được bố trí ngay gần ngã ba, ngã tư đường khiến việc lưu thông, đi lại của người dân gặp khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm. Tại nhiều điểm trung chuyển rác, xe tập kết rác để lộn xộn, ngổn ngang lấn chiếm lòng đường và vỉa hè; nhiều xe tập kết rác không được che chắn, thậm chí rác thải còn vương vãi trên mặt đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường không khí và sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Thủy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết, rất nhiều điểm tập kết rác bố trí không hợp lý, đường phố thì nhỏ, nhưng tập kết thành một hàng dài tại khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến giao thông. Không những vậy, mùi rác thải bốc lên làm cho người dân sinh sống quanh đó luôn cảm thấy bức bối, khó chịu. Bà Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Đồng Xa (Mai Dịch) phản ánh: “Khá nhiều điểm rác tập kết ngay gần khu dân cư, khu chợ gây hôi thối, ảnh hưởng môi trường. Người kinh doanh không chỉ phải ngửi mùi rác mà còn giảm doanh số bán hàng do khách hàng không muốn mua sắm, ăn uống tại khu vực có mùi khó chịu”.

Đáng chú ý, không chỉ những điểm tập kết rác gây ô nhiễm mà một số xe chở rác lại đang là nguyên nhân gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Việc thu gom, vận chuyển rác đi xử lý đã được Thành phố Hà Nội quy định rõ: Xe vận chuyển rác, thu gom rác (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất), chỉ được hoạt động từ 19 giờ 30 phút đến 6 giờ sáng hôm sau trên các tuyến đường. Các xe thu gom rác phải tập kết tại các vị trí đúng quy định. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường vẫn bắt gặp một số xe chở rác lưu thông vào giờ cao điểm, cản trở người tham gia giao thông. Có xe còn làm vương vãi nước bẩn xuống đường gây ô nhiễm.

Ngoài ra, việc thu gom và vận chuyển rác thải ở Hà Nội còn gặp khó khăn do một bộ phận người dân thiếu ý thức khi để rác không đúng nơi quy định. Rất nhiều bãi trống, vỉa hè trở thành bãi chứa rác thải, vật liệu xây dựng tự phát. Dù đã được chính quyền địa phương hay người dân gần khu vực cảnh báo bằng nhiều hình thức nhưng nhiều nơi vẫn trở thành “điểm đen” về rác thải, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý rác.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, công tác duy trì vệ sinh môi trường được cải thiện. Tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90%. Tuy nhiên, hiện việc thu gom rác tại một số tuyến đường phố, quận, huyện, thị xã được thực hiện theo phương thức đấu thầu trọn gói theo từng năm. Địa bàn thành phố có hàng chục doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vốn nhà nước tham gia thu gom, xử lý rác thải.

Với năng lực của từng doanh nghiệp, việc thu gom, xử lý rác thải được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, do đó còn tồn tại một số bất cập: Phương tiện thu gom chưa phù hợp với đổi mới công nghệ; thiếu các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải. Việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn Thủ đô tích hợp trong quy hoạch chung còn chậm; chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom. Mặt khác, do chưa có trạm trung chuyển cho nên không tăng được số lượt thu gom, dẫn đến xe đi thu thập một lượt trong phố và vận chuyển lên khu xử lý xong lại phải quay về cẩu rác lần hai.

Trước thực trạng này, mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Thành phố yêu cầu các địa phương xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải, gây ùn tắc giao thông...; tập trung thực hiện các nội dung, chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án, kế hoạch vận hành đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, phù hợp tình hình thực tế; bảo đảm tiếp nhận, xử lý rác thải liên tục, không bị gián đoạn, không để xảy ra việc ùn tắc các phương tiện vận chuyển rác thải tại các khu xử lý tập trung; thông báo đến chủ đầu tư đối với trường hợp phương tiện vận chuyển rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển (rò rỉ nước rỉ rác, rơi rác thải trong quá trình vận chuyển); kiên quyết không tiếp nhận phương tiện vận chuyển rác thải không đúng địa bàn, không đúng chủng loại chất thải; phối hợp chính quyền địa phương nơi có khu xử lý chất thải tập trung bảo đảm phân luồng giao thông kịp thời cho các phương tiện vận chuyển rác thải ra vào khu xử lý tập trung; xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải, gây ùn tắc giao thông, tránh hoạt động trong các giờ cao điểm...

Để thực hiện hiệu quả việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường; đồng thời sớm triển khai cơ chế huy động vốn đầu tư, thủ tục đầu tư rút gọn, các chính sách ưu đãi đặc thù, giải pháp công nghệ phù hợp; quản lý, vận hành với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, nhằm thúc đẩy việc xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.