Đa dạng nguồn lực đầu tư nhà ở công nhân

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm phát triển nhà ở công nhân, tạo chỗ ở ổn định cho người lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhà ở công nhân mới đáp ứng phần rất nhỏ so với nhu cầu chỗ ở của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. (Ảnh PHẠM HÙNG)
Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. (Ảnh PHẠM HÙNG)

Khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội được đưa vào sử dụng từ 15 năm trước, là dự án nhà ở tập trung dành cho công nhân sớm trong cả nước. Dự án được xây dựng đồng bộ trên khu đất rộng 20ha, gồm 24 tòa nhà năm tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở.

Tuy nhiên, số chỗ ở này quá nhỏ so với nhu cầu của công nhân. Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, mặc dù vợ chồng cùng làm trong khu công nghiệp, nhưng quỹ nhà ở tập trung dành cho gia đình quá ít, luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Gia đình chị phải thuê phòng trọ rộng 20m2 tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, với giá 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng ẩm thấp, không bảo đảm an ninh, an toàn, thiếu các tiện ích.

Tiền thuê nhà, cộng với tiền điện, nước sinh hoạt tính theo giá kinh doanh, khiến tổng chi phí thuê nhà trọ mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, chiếm khoảng 1/5 tổng thu nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hai vợ chồng. Vì thế, mong ước lớn nhất của vợ chồng chị là được thuê nhà ở tập trung với giá ưu đãi, giảm gánh nặng tiền thuê nhà hằng tháng để có thêm tiền nuôi con ăn học.

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 15 nghìn lao động từ các tỉnh sinh sống, trong đó số lao động không thuê được nhà ở trong khu tập trung, phải thuê nhà trọ trong khu dân cư do người dân tự đầu tư xây dựng rất lớn. Rất nhiều hộ dân trong xã đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê.

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân đầu tư xây dựng nhà ở khang trang, nên phần lớn là nhà cấp bốn, dẫn đến điều kiện sinh hoạt ở các khu nhà trọ không bảo đảm tiện ích, điều kiện vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Ngoài ra, dân số gia tăng, tạo sức ép rất lớn đến hạ tầng xã hội, kỹ thuật của địa phương.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó, chín khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động ổn định với khoảng 160 nghìn lao động. Số công nhân có nhu cầu chỗ ở rất lớn, nhưng hiện nay mới có ba khu công nghiệp gồm Thạch Thất-Quốc Oai, Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở dành cho công nhân, đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động.

Rất nhiều lao động phải thuê và sinh sống trong các phòng trọ trong khu dân cư, thiếu thốn điều kiện cơ sở vật chất, với giá thuê trọ cao, tạo sức ép rất lớn về dân số, hạ tầng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của người lao động giảm sút, gánh nặng thuê nhà trọ đối với công nhân ngày càng lớn.

Để phát triển nhà ở công nhân, tại kỳ họp thứ bảy, khóa 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030. Điểm đáng chú ý là thành phố xác định bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn. Nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 1.250.000m2 sàn nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Đến năm 2030, toàn bộ các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội xác định vai trò của người dân trong việc phát triển nhà trọ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển nhà trọ, nâng cao chất lượng chỗ ở, giúp người lao động yên tâm sản xuất.