Cú huých cho nhà ở công nhân

Theo Kế hoạch triển khai chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu xây dựng thêm từ một đến hai khu nhà ở công nhân. Các chính sách mới và sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ sẽ giúp cho các địa phương, trong đó có Hà Nội có thể thực hiện những mục tiêu về xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại huyện Đông Anh. (Ảnh DUY QUANG)
Một dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại huyện Đông Anh. (Ảnh DUY QUANG)

Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội kéo theo việc nhiều người lao động đến từ các địa phương về Thủ đô làm việc. Nhu cầu về nhà ở của công nhân khu công nghiệp rất lớn, nhưng khả năng mua nhà của đối tượng này rất thấp. Ngoài ra, do công việc của công nhân không ổn định, năm nay làm ở đây, sang năm có thể lại chuyển sang doanh nghiệp khác, địa bàn khác, cho nên nhu cầu mua nhà ở tại các khu công nghiệp không cao.

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động; trong đó, hơn 80% là lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên, các dự án nhà ở của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu của công nhân lao động, còn lại hơn 70% số công nhân đang phải thuê nhà trọ trong điều kiện sinh hoạt tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, mức giá thuê, tiền điện, tiền nước cao. Ngay cả các khu nhà ở cho công nhân do thành phố đầu tư cũng mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ, chưa đáp ứng được nhu cầu về nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội.

Tổng công ty Viglacera là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội. Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, hiện tại doanh nghiệp này đã hoàn thành khoảng 8.000 căn hộ nhà ở xã hội và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch để xây dựng tiếp 9.000 căn hộ nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong tổng số 8.000 căn đã hoàn thành vẫn tồn 3.000 căn, chủ yếu là dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, cho dù các sản phẩm được đầu tư đồng bộ, giá bán và giá cho thuê khá hợp lý.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân phản ánh thực tế, công nhân có nhu cầu thuê nhà ở nhiều hơn nhu cầu mua nhà. Vì vậy, chính sách xét duyệt cần linh hoạt và phù hợp thực tiễn hơn, để tránh tình trạng nhà xây xong mà không có người mua, trong khi người có nhu cầu lại không được đáp ứng.

Trên cơ sở thực tiễn của các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, cần cho phép doanh nghiệp là chủ đầu tư của các khu công nghiệp tiếp cận để thuê, mua nhà ở xã hội tại địa bàn để làm ký túc xá cho công nhân lâu dài. Ngoài phần cho thuê này, cần áp dụng chính sách như nhà ở xã hội thông thường. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.

Việc ban hành quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư là hành lang pháp lý chung đang được triển khai. Tuy nhiên, với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cần nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với địa phương tạo lập quỹ nhà ở cho công nhân. Đây là giải pháp để doanh nghiệp giữ chân người lao động. Cùng với đó, với các doanh nghiệp lớn đến từ châu Âu, Mỹ, thì điều kiện ở, sinh hoạt, giải trí bảo đảm cho việc tái tạo sức lao động của công nhân luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu khi lựa chọn điểm đến.

Bộ Xây dựng cần quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư tham gia; nghiên cứu, quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là nhà ở cho công nhân. Đây là điều kiện để các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội thực hiện được kế hoạch đã đề ra. Hiện nay, trong tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, có 4 dự án nhà ở cho công nhân đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở. Trong đó, đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê.

Để xóa đi những khu trọ không bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh, cũng như điều kiện về hạ tầng, cùng với chính sách nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích về thủ tục xây dựng, đất đai, tài chính, đối với các hộ gia đình, cá nhân, đầu tư nhà ở cho thuê, nhà trọ. Tại Hà Nội, số lượng nhà trọ quanh các khu công nghiệp rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội và công tác quản lý an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, do điều kiện vệ sinh môi trường kém, nhà cửa ẩm thấp, rác thải không được thu dọn thường xuyên đã ảnh hưởng sức khỏe công nhân sống trong các khu trọ.

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp, trong đó có hơn 22.000 công nhân thuê trọ. Riêng xã Kim Chung có tới 800 hộ dân có nhà cho thuê. Việc tập trung nhiều khu trọ tại các xã của huyện Đông Anh không chỉ khiến cho chính quyền và các lực lượng chức năng vất vả, khó khăn trong quản lý an ninh, vệ sinh, môi trường mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn ■