Chuyện người Cơ Tu dưới mái nhà gươl

Nhiều đời qua, người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (thành phố Ðà Nẵng) luôn đề cao tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng. Men theo tán rừng để sống, ăn con cá dưới sông, người Cơ Tu càng thêm tự hào khi đời sống ngày càng phát triển, tiến bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Già Mỹ, già Tám say sưa thể hiện bài hát lý của người Cơ Tu.
Già Mỹ, già Tám say sưa thể hiện bài hát lý của người Cơ Tu.

Tiếng nói của già làng

Ðối với văn hóa của người Cơ Tu, lối sống du canh du cư trong rừng đã có từ lâu. Thời chiến tranh, dân làng di tản, rời làng vào sâu trong rừng nhằm tránh bị địch càn quét. Ðất nước hòa bình, các ngôi làng của người Cơ Tu lần lượt được người dân lập nên. Một nguyên tắc bắt buộc khi lập làng chính là việc xây dựng ngôi nhà gươl. Người Cơ Tu trên địa bàn xã Hòa Bắc cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Già làng được người dân lựa chọn để trở thành một thống lĩnh tập hợp tiếng nói, suy nghĩ của cộng đồng.

Nhà gươl nằm ở vị trí trung tâm của làng. Tất cả yếu tố tinh thần, tâm linh trong cộng đồng đều tập trung về không gian thờ cúng được bố trí trang trọng giữa ngôi nhà. Theo tục lệ truyền thống, lối đi chính để bước lên nhà gươl (mặt chính diện) dành cho già làng, phó già làng, nam giới. Lối đi lên nằm bên hông ngôi nhà sẽ dành cho phụ nữ. Lưu giữ đúng cách thức dựng nhà, vật liệu lấy hoàn toàn từ tự nhiên, những ngôi nhà gươl ở xã Hòa Bắc chính là niềm tự hào, hãnh diện của người Cơ Tu mỗi khi có khách đến thăm làng.

Nếp sống dựa theo môi trường tự nhiên thể hiện trong việc người dân tìm tư liệu sản xuất hoàn toàn từ rừng núi. Nhiều thế hệ người Cơ Tu đã duy trì cách sản xuất “phát đốt chọc tỉa” những củ sắn, dây khoai... đến các loại cây lớn hơn. Tiếng nói của già làng luôn hướng người dân tập trung vào việc sản xuất lương thực, làm lụng phải biết trân trọng giá trị của đất, của rừng. Nhà nào đi săn được con thú to thì mang về chia cho cả làng cùng ăn. Theo thời gian, nếp sống chia sẻ cho nhau mọi thứ dù chỉ là một ít trở thành thói quen được dân làng thực hiện.

Ðời sống kinh tế, xã hội ở Hòa Bắc phát triển, đổi thay nhanh chóng, ngày càng có những loại hình nghệ thuật mới xuất hiện trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, lớp người Cơ Tu cao tuổi nơi đây vẫn giữ cho mình những câu hát lý, nói lý từ thời cha ông truyền lại. Giá trị khéo léo, sâu sắc của ngôn ngữ thông qua câu hát lý, nói lý trở thành cách răn dạy con cháu trong gia đình, cộng đồng. Giao lưu giữa làng nọ với làng kia, đối đáp trong ngày đám cưới, sinh hoạt hội làng... đều có sự xuất hiện của hát lý. Ðời sống tinh thần của một người Cơ Tu sẽ được đánh giá cao nếu trong câu hát lý của họ chứa đựng nét duyên, ẩn chứa nhiều ý tứ và gây được ấn tượng cho người nghe. Am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, giao tiếp bằng ngôn ngữ thông thường và trao đổi những điều chưa biết là ba cấp độ của hát lý, nói lý Cơ Tu. Tất cả những vị già làng, cao niên, người có uy tín trong làng đều phải biết và thực hành thành thạo hát lý.

Một hồn đất, nhiều đời người

Cầm trên tay cây đàn h’jưl, già làng A Lăng Mỹ (thôn Tà Lang) buông tiếng nhạc theo lời một bài hát của người Cơ Tu. Nhớ lại vài chục năm trước, nam nữ Cơ Tu đến tuổi tìm hiểu nhau, họ dùng tiếng đàn, lời hát để thay cho suy nghĩ, tâm tư gửi đến người kia. Không cầu kỳ, những câu hát đi từ đời sống, nếp nghĩ của tuổi trẻ mang theo thông điệp về tình cảm. Già Mỹ nói: “Ngày trước, tôi dùng cây đàn này để tặng một ca khúc cho vợ tôi. Trai gái trong làng dùng lời ca tiếng hát mới có thể kết nối, tìm hiểu nhau. Bây giờ phải cố gắng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa. Việc này cần có thời gian dài và kế hoạch cụ thể để dân làng thực hiện”.

Dưới mái gươl, già làng A Lăng Tám (thôn Tà Lang) trình bày bài hát lý mời khách đến nhà: “Các bạn đi đâu xa có khát nước, có khát rượu, hãy đến nhà gươl chúng tôi nghỉ chân, uống rượu”. Tiếp lời, già Mỹ cất giọng: “Cảm ơn mọi người đã đến thăm làng để chúng ta cùng giao lưu văn hóa. Xin cảm ơn!”.

Nét đẹp của văn hóa Cơ Tu còn nằm ở những tác phẩm điêu khắc trên gỗ trang trí trong ngôi nhà gươl. Nghệ thuật điêu khắc trên gỗ được người dân gìn giữ, lưu truyền tỉ mỉ, cẩn thận. Theo già Mỹ, hầu hết mọi hình ảnh xuất hiện trong đời sống, sinh hoạt sản xuất đều được tái hiện trên bề mặt gỗ. Dưới sông có con cá, con tôm, trên rừng có con trâu, con chim, trong gia đình có cảnh tượng mọi người quây quần bên nhau... ông đều đục đẽo thành tác phẩm. Hình ảnh về điệu múa truyền thống “Tâng tung da dá”, những cảnh sinh hoạt của người dân được già Mỹ khắc họa sinh động trên hệ thống cột, xà gỗ của ngôi nhà. Linh hồn đất trời, hiện thực của nhiều thế hệ sống trong cộng đồng chảy xuyên suốt trong nghệ thuật điêu khắc gỗ Cơ Tu.

Với điều kiện tự nhiên đất đai nằm ở đầu nguồn dòng sông Cu Ðê, đồng thời là nơi góp phần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt tương lai của thành phố, xã Hòa Bắc đang tìm hướng giải quyết vấn đề làm thế nào để người dân chuyển dần sang trồng cây gỗ lớn, không khai thác ngắn hạn, hướng đến phục hồi tán rừng hàng chục, hàng trăm năm sau. Ðồng thời, trong những cuộc họp thôn làng, việc phân loại rác thải tại nguồn được người dân đóng góp, đề ra phương thức tiến hành trong nếp sống mỗi gia đình. Ý thức xây dựng môi trường sống cho nhiều thế hệ không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà còn cho tương lai, đây là một trong các mục tiêu phát triển trọng tâm của địa phương.