Vụ đông xuân năm nay, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh gieo trồng 942 ha lúa với các giống chủ yếu là: lúa lai, DV108, VN20, H6. Ngay từ đầu vụ, Ủy ban nhân dân xã cùng với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất; gieo đồng vùng, cùng giống để tạo thuận lợi trong chăm sóc và thu hoạch.
Dù gặp bất lợi về thời tiết, xuất hiện nhiều sâu bệnh nhưng nhờ chủ động nguồn nước tưới và chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Cuối vụ lúa ở An Ninh đạt năng suất lên tới 71,8 tạ/ha, cao nhất huyện Quảng Ninh. Với giá bán lúa 9.500 đồng/kg và việc tiêu thụ khá thuận lợi, bà con nông dân rất phấn khởi.
Cũng với niềm vui chung đó, ông Nguyễn Văn Minh ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, gia đình ông sản xuất hơn 1,5 ha lúa, năng suất đạt 59 tạ/ha. Năm nay, chi phí vật tư giảm so với các năm trước, đồng thời lúa được giá, gặt xong chỉ cần phơi một nắng là thương lái đến thu mua tại sân với giá từ 9.000-10.000 đồng/kg. Thắng lợi này tạo động lực để người nông dân tiếp tục sản xuất vụ hè thu năm nay.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, yếu tố làm nên thắng lợi trong vụ đông xuân năm nay là nhờ các địa phương đã bố trí cơ cấu bộ giống lúa đúng định hướng và thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng. Việc đưa vào sử dụng các bộ giống lúa mới chất lượng cao đã giúp nâng cao năng suất và tăng khả năng chống chịu đổ ngã, sâu bệnh hại trên cây lúa. Bên cạnh đó, sự liên kết trong sản xuất, từ cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân đã cho thấy hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Qua gặp gỡ, trao đổi với nhiều nông dân và theo ghi nhận của chúng tôi, sự chuyển biến lớn nhất trên đồng ruộng ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình là việc đưa thiết bị bay vào gieo sạ, bón phân đã mang lại hiệu quả cao và tạo sự hứng khởi cho các vùng sản xuất và từng nông dân tham gia.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Bình, anh Trần Duy Khánh ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy đã hợp tác, liên kết với Nhà máy sản xuất giống cây trồng (Tổng công ty Sông Gianh) trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ngày tổ chức gieo sạ lúa bằng thiết bị bay ở xã Xuân Thủy, rất đông người dân trong xã, trong huyện đến xem, bởi mô hình này họ chỉ xem nhiều trên truyền hình, còn ở vùng trọng điểm lúa Lệ Thủy và cả tỉnh Quảng Bình đây là lần đầu. Đến xem, cổ vũ nhưng cũng có người vẫn lo máy bay không người lái rải giống sạ có đều hay ít hôm sau đồng ruộng như... tấm da báo. Mà nếu như vậy thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của ruộng lúa về sau.
Anh Trần Duy Khánh cho biết, sau vài hôm xuống giống bằng thiết bị bay, khi cây mạ bắt đầu bén rễ, anh thông báo cho nhiều người đến xem họ mới vỡ lẽ rằng, mật độ cây mạ đều và xanh non đẹp mắt. Như vậy, thiết bị công nghệ sạ giống hơn hẳn họ làm bằng kinh nghiệm cả đời nông dân. Thêm ba lần bay rải phân hữu cơ vi sinh cho đồng ruộng nữa thì cách làm mới này đã thuyết phục được nông dân Lệ Thủy. Toàn bộ diện tích lúa gần 10 ha của anh Trần Duy Khánh lên nhanh, đẻ nhánh khỏe và rất ít sâu bệnh, có mầu xanh non đẹp hơn nhiều so với thửa lúa canh tác theo lối truyền thống. Cuối vụ, năng suất đạt gần 75 tạ/ha và thu hoạch đến đâu là Tổng công ty Sông Gianh thu mua lúa tươi ngay tại ruộng.
Doanh nghiệp đã hỗ trợ thêm cho hộ dân bao bì đựng lúa và vận chuyển lúa ngay tại ruộng. Theo nhiều nông dân, với giá thu mua tại ruộng, bà con có lãi 20-25 triệu đồng/ha. Vụ hè thu năm 2024, Nhà máy tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ tại thị xã Ba Đồn và một số địa phương khác.
Ông Đặng Vũ Thái, Giám đốc Nhà máy sản xuất giống cây trồng, Tổng công ty Sông Gianh
Từ thành công của mô hình ứng dụng thiết bị công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Lệ Thủy, các địa phương khác ở Quảng Bình cũng đã trích kinh phí để hỗ trợ người dân thực hiện mô hình ứng dụng thiết bị bay vào gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cho cây lúa. Điều này đã tạo ra nét mới và mang lại hình ảnh sinh động cho đồng ruộng vốn quen thuộc với con trâu và người nông dân quanh năm lam lũ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho biết: “Qua theo dõi, tìm hiểu chúng tôi thấy đưa công nghệ vào đồng ruộng, sản xuất theo chuỗi thì hiệu quả cao hơn hẳn, nông dân “nhàn” việc mà có lãi hơn.
Từ thành công của các mô hình, chúng tôi đề nghị các địa phương nhân rộng mô hình, cách làm mới này để tăng diện tích gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay điều khiển từ xa trong những vụ mùa sau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và bà con nông dân như thuê đất ruộng, tích tụ ruộng đất thực hiện việc đưa công nghệ vào đồng ruộng và canh tác theo hướng hữu cơ để tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp cũng có lãi”.