Tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh Lào học tập tại Nghệ An

Sau hơn tám tháng theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông số 2 Nghệ An, 31 học sinh phổ thông của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có thể nghe, hiểu và nói lưu loát được tiếng Việt. Các em đã hòa nhập và thích nghi với môi trường sinh hoạt và học tập tại đây.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động ngoại khóa giúp lưu học sinh Lào tự tin, hiểu rõ văn hóa đất nước, con người Việt Nam.
Hoạt động ngoại khóa giúp lưu học sinh Lào tự tin, hiểu rõ văn hóa đất nước, con người Việt Nam.

Có mặt tại khu nội trú của học sinh Lào sau giờ tan học, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập thường ngày với nhiều điều thú vị.

Đặc biệt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khả năng nói chuyện bằng tiếng Việt thuần thục, lưu loát của các em. Cầm trên tay cuốn vở bằng tiếng Việt, tranh thủ vừa ôn bài, vừa trò chuyện với chúng tôi, em Bounsana Thidasavanh đến từ tỉnh Khăm Muộn thể hiện sự tự tin trong giao tiếp khi nghe, hiểu và nói sõi tiếng Việt.

Em chia sẻ: Ban đầu khi đến đây rất bỡ ngỡ vì từ trước đó em chưa học tiếng Việt. Phần khó nhất là học nghe, tuy nhiên em được nhà trường, thầy cô, các bạn Việt Nam giúp đỡ, đồng hành, giờ em có thể hiểu được hết và giao tiếp được với mọi người.

Em Phouvanno Vilavanh đến từ tỉnh Bôlykhămxay tâm sự:

Đến Việt Nam là lần đầu em xa gia đình, xa quê hương cho nên rất nhớ bố mẹ và lo lắng nếu không biết tiếng Việt sẽ không giao tiếp được, sợ món ăn ở đây không hợp với mình.

Tuy nhiên sau mấy tháng học, tiếng Việt khá hơn nhiều, giờ em có thể giao tiếp được với thầy cô, các bạn học sinh Việt Nam trong trường. Ngoài thời gian học tiếng Việt, chúng em được nhà trường tổ chức nhiều buổi học về kỹ năng sống, được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa...

Cũng như 31 em lưu học sinh Lào khóa đầu được sang đây học tập, em Anuluk Kittiphavong đến từ tỉnh Xiêng Khoảng mong muốn được học chương trình giáo dục của Việt Nam, sau này về phục vụ đất nước, đưa quê hương ngày càng phát triển.

Hiện, các em lưu học sinh Lào đang học tiếng Việt với giáo viên của Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Tại lớp học tiếng Việt, dù chỉ mới học trong một thời gian không dài nhưng giảng viên Trần Thị Lệ Dung đánh giá cao sự chăm chỉ, cần cù, ngoan ngoãn, tiếp thu nhanh của học sinh Lào, nhất là phần nghe và phần viết.

Sau mỗi bậc học, các em đều được thi khảo sát để đánh giá với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các em lưu học sinh hệ phổ thông đều trong độ tuổi 13 đến 15, cuộc sống xa gia đình cho nên còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó để học tiếng Việt hiệu quả, thầy, cô giáo luôn tạo mọi điều kiện để các em lưu học sinh Lào cảm thấy thoải mái.

Thầy, cô khuyến khích các em mạnh dạn đặt câu hỏi, trao đổi thẳng thắn với giáo viên về nội dung bài học. “Mặc dù tiếng Việt học rất khó nhưng đến thời điểm hiện tại nếu được tiếp xúc cộng đồng người Việt Nam thì các em đã có thể chủ động hòa nhập”, Cô Dung cho biết.

Với Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông số 2 Nghệ An, việc được chọn là trường đầu tiên tiếp nhận du học sinh Lào sang theo học là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn, góp phần gìn giữ, vun đắp thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Thầy Hồ Quốc Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các em lưu học sinh Lào đã học đến bậc bốn tiếng Việt và đang chuẩn bị cho việc ôn tập môn Toán, Văn với 90 tiết chuẩn bị kiến thức nền để lên học lớp 10.

Nhà trường hiện đã lên kế hoạch xây dựng chương trình, lựa chọn giáo viên giảng dạy. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để khích lệ tinh thần, giúp các em ngày càng tiến bộ.

Trước khi tiếp nhận các em học sinh, nhà trường cử giáo viên sang Lào tìm hiểu phong tục, tập quán, từ đó có kế hoạch, phương án giúp đỡ khi các em sang học tập tại trường.

Trong thời gian đầu khi các em sang học, ngoài thời gian lên lớp, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên đến trao đổi, tâm sự để các em cảm thấy thoải mái, thuận lợi như sống trong ngôi nhà mình.

Tuy nhiên, đối với hầu hết lưu học sinh Lào tại Việt Nam, rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ, cộng với việc phải làm quen môi trường sống mới khiến khó khăn dường như tăng lên, nhất là các em học hệ phổ thông.

Để giải quyết vấn đề này, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ để các em giao lưu, tự tin, hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiếp nhận các lưu học sinh Lào sang theo học chương trình phổ thông.

Tại đây, các em sẽ có một năm học tiếng Việt và tiếp tục theo học ba năm chương trình phổ thông với các học sinh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể có từ 4-6 năm học đại học, cao học trước khi trở về Lào công tác.

Đây là nội dung nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện với nước bạn Lào.

Tỉnh Nghệ An triển khai chủ trương hợp tác về giáo dục để đào tạo học sinh sáu tỉnh của Lào là Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Viêng Chăn, Savanakhet và Khăm Muộn, học cấp trung học phổ thông từ năm học 2023-2024. 31 em đầu tiên sang theo học đều là những học sinh tiêu biểu được tuyển chọn từ các địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hơn 10 năm qua, tỉnh Nghệ An tiếp nhận, đào tạo hơn 2.300 học sinh, sinh viên của nước bạn Lào. Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức đào tạo lưu học sinh Lào học cấp trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông của Việt Nam về cơ bản tương đồng với chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông của Lào về khung chương trình và thời lượng dạy học, tuy nhiên đã được tích hợp thêm giáo án giáo dục tiên tiến.