Chuyện kể từ Thảo cầm viên Sài Gòn

Là một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới và lớn nhất Việt Nam, Thảo cầm viên Sài Gòn luôn chứa đựng nhiều điều độc đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác giả chia sẻ về hành trình thực hiện dự án “Thiên nhiên kỳ thú”.
Các tác giả chia sẻ về hành trình thực hiện dự án “Thiên nhiên kỳ thú”.

Vậy nên, sau khi tham quan, tiếp xúc gần với động, thực vật nơi đây và nghe các chuyên gia, nhân viên chăm sóc thú chia sẻ, các tác giả tham gia dự án “Thiên nhiên kỳ thú” cảm thấy rất may mắn vì được kể chuyện về Thảo cầm viên Sài Gòn bằng chất liệu chân thật, thân thương nhất.

Tháng 6/2023, Thảo cầm viên Sài Gòn và Nhà xuất bản Trẻ chính thức công bố khởi động dự án “Thiên nhiên kỳ thú”. Theo đó, hai bên sẽ mời các tác giả và họa sĩ Việt Nam thực hiện bộ sách truyện lấy ý tưởng từ chính các loài động vật tại Thảo cầm viên Sài Gòn.

Mới đây, bộ sách tranh đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 160 năm thành lập vườn thú nổi tiếng này. Là một trong năm tác giả tham gia sáng tác truyện cho dự án “Thiên nhiên kỳ thú”, đến khi cầm sách trên tay, nhà văn Gia Bảo vẫn chưa quên cảm giác thích thú khi được tham quan Thảo cầm viên Sài Gòn, tiếp cận các chuyên gia, chuyên viên bảo tồn, chăm sóc thú nơi đây.

Đó là, lần đầu nhà văn Gia Bảo được tiếp xúc gần, được nghe nhiều thông tin hay và có cơ hội tìm hiểu kỹ về đời sống, tập tính của nhiều loại động, thực vật như thế. Trở về sau chuyến tham quan đặc biệt, chị bắt tay vào việc. Một danh sách các loài vật được đưa ra, nhóm tác giả tham gia dự án chọn 13 cái tên để tìm hiểu, xây dựng cốt truyện sao cho vừa dí dỏm, phù hợp với thiếu nhi, vừa bảo đảm kiến thức khoa học.

Ngoài những kiến thức do chuyên gia, nhân viên chăm sóc thú tại Thảo cầm viên Sài Gòn cung cấp, tác giả dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về các loài vật mình muốn đưa vào sách. Nhà văn Gia Bảo chọn hà mã, nai cà tông, voọc chà vá làm chất liệu sáng tác trong dự án lần này và đặt những tựa sách nghe khá lạ tai như “Vũ công của đầm lầy ngọc ngà”, “Bộ gươm của hiệp sĩ” hay “Nhật ký của nữ hoàng”.

Theo tác giả, bộ sách này thú vị ở chỗ từ những mẩu chuyện kể súc tích nhưng không kém phần bay bổng của các nhà văn, bạn đọc nhỏ tuổi sẽ nắm được bài học về thế giới muôn loài, về khoa học, thiên nhiên. “Khi bắt tay viết sách, tác giả phải tìm hiểu thật kỹ và nhờ vậy đã khám phá ra nhiều chi tiết hết sức thú vị mà trước giờ không biết hoặc chưa quan tâm. Hà mã không biết bơi và có lớp chất nhờn như kem chống nắng tự nhiên, voọc chà vá có tận bảy màu hay sự thay đổi thú vị của nai cà tông đực khi lớn lên. Tôi chọn những chi tiết đầy bất ngờ nhưng có tính khoa học để cung cấp kiến thức cho bạn đọc nhỏ tuổi”, nhà văn Gia Bảo cho biết thêm.

Cùng tham gia viết ba cuốn sách trong dự án lần này, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, chị nhận về rất nhiều điều ý nghĩa trong quá trình trao đổi, làm việc cùng các chuyên viên, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng thú tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Trước kia, như bao khách tham quan khác, mỗi lần đến vườn thú này, nhà văn Bùi Tiểu Quyên chủ yếu dành thời gian ngắm các loài động vật tắm nắng, vui chơi, tương tác và chụp hình lưu niệm. Nhưng chính quá trình thu thập chất liệu thông qua dự án, khi nghe nhiều câu chuyện hay về các con vật, chị muốn tìm hiểu sâu hơn.

Chú rái cá được giải cứu từ chợ chim trời hay bé gấu chó đáng yêu sinh đúng dịp Nô-en tại Thảo cầm viên Sài Gòn… về sau trở thành những nhân vật ngộ nghĩnh trong sách với thông điệp cụ thể gửi đến bạn đọc. Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: “Tôi đặt cho mỗi loài những câu chuyện từ chính số phận của các con vật và xem các loài là đứa trẻ để chơi với những bạn nhỏ cùng trang lứa. Ngoài xây dựng câu chuyện, tôi còn tìm hiểu đặc tính, sở thích, thói quen, thậm chí cả những món mà loài vật đó có thể ăn hoặc thích ăn để kể thật hợp lý và thuyết phục chứ không chỉ tưởng tượng. Mỗi câu chuyện như một hạt mầm vun đắp nhận thức cũng như tình yêu thương và lòng trắc ẩn của các em nhỏ”.

Trong lần hợp tác này, Nhà xuất bản Trẻ và Thảo cầm viên Sài Gòn còn cho ra mắt cuốn sách có giá trị mang tên “Thảo Cầm viên Sài Gòn - Kho báu trong lòng thành phố” (biên soạn: Võ Thị Mai Chi; hình ảnh: Kan Nguyễn-Mai Chi). Đây được xem như cuốn “bách khoa thư Thảo cầm viên”, sẽ đưa bạn đọc vào hành trình khám phá một vườn sinh vật cổ xưa giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên từng trang sách là những hình ảnh tuyệt đẹp và các câu chuyện thú vị về động, thực vật ở Thảo cầm viên Sài Gòn; đặc biệt là những loài đặc hữu của nước ta đang cần được bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm. “Cuốn sách này được thực hiện nhằm truyền tải thông điệp yêu thiên nhiên cũng như giới thiệu rộng rãi đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế về một hệ động, thực vật đang được bảo tồn, nuôi dưỡng và chăm sóc tại Thảo cầm viên Sài Gòn.

Thực hiện một cuốn sách lớn như vậy trong khoảng thời gian ngắn là điều không hề đơn giản. Vì vậy, khi cuốn sách hoàn thành, chúng tôi rất xúc động. Sách không chỉ đẹp về mặt mỹ thuật mà còn có giá trị về mặt khoa học”, bà Huỳnh Thu Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn cho hay.

Giữ vai trò biên soạn cuốn sách đặc biệt này, suốt quá trình dài cùng trao đổi, làm việc, tác giả Võ Thị Mai Chi cho biết: Điều ấn tượng nhất với chị chính là sự tận tụy, tâm huyết với nghề của các chuyên gia, nhân viên chăm sóc, bảo tồn tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Nhìn những con mèo rừng hay rái cá nhỏ được các nhân viên cẩn trọng bọc trong khăn ủ ấm và nâng niu trên tay như trẻ sơ sinh, chị Mai cảm thấy xúc động vì mọi thứ ở đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm người chăm sóc gửi gắm vào từng con vật.

Do đó, bên cạnh kiến thức chuyên môn được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, nhóm tác giả đã gửi gắm tinh thần thương yêu động, thực vật vào từng trang sách. Những thông tin liên quan đến công tác cứu hộ và tái thả ở Thảo cầm viên Sài Gòn cũng được chọn lọc để cung cấp đến bạn đọc, mang lại góc nhìn toàn diện hơn.