Mới đây, tỉnh An Giang tổ chức triển lãm và hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023. Đây là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dữ liệu số trong chuyển đổi số, cũng như các giải pháp, cách thức xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu số. Qua đó, đề ra chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển, củng cố dữ liệu số của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Lãnh đạo tỉnh An Giang khẳng định: “Chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên. Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân”.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đưa ra 15 chỉ tiêu, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng với 53 dự án, nhiệm vụ, kinh phí thực hiện hơn 389 tỷ đồng.
Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả. |
Đó là các dự án đã và đang được triển khai gồm: Trung tâm Dữ liệu, Điều hành Thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (SOC), thí điểm mở rộng giai đoạn 3 giải pháp giám sát an toàn thông tin.
Theo Nghị quyết, An Giang phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh (nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch)…
Đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi Số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước, phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, Chương trình Chuyển đổi số tỉnh tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; doanh nghiệp phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; người dân tham gia tích cực ứng dụng, khai thác nền tảng số.
Chuyển đổi số là cơ hội để địa phương bứt phá, vươn lên, trong đó, Chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Qua 2 năm triển khai, tính đến cuối tháng 10/2023, chương trình Chuyển đổi số của tỉnh đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, có 18 dự án/nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai với tổng kinh phí gần 56,85 tỷ đồng; 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Trong đó, phát triển kinh tế số ước 7,18% GRDP (chỉ tiêu đến năm 2025 là 10% GRDP).
Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. |
Tỉnh thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến tận cấp đơn vị, cơ sở, phường, xã; có 887 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 11/11 huyện với 6.517 thành viên...
Về phát triển hạ tầng số, An Giang phủ sóng Internet cáp quang tốc độ cao đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành...
Trong phát triển chính phủ số, chính quyền số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh An Giang cung cấp hơn 2.000 dịch vụ dịch vụ hành chính công…
Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh hỗ trợ 19 doanh nghiệp tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử; thực hiện nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử…
Dự án Trung tâm Dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản đáp ứng hạ tầng phần cứng, máy chủ phục vụ triển khai, phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, giúp hình thành dữ liệu tập trung, dùng chung và mở phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp phát triển kinh tế-xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Tỉnh An Giang đã hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến là 74,7%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến là 79%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97,3%. Đã đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (1.473 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Để triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số, hoàn thành các chỉ tiêu còn lại đến năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp theo 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền số là lấy người dân làm trung tâm; kinh tế số giúp phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng GRDP của tỉnh; xã hội số giúp người dân sử dụng các tiện ích do cơ quan nhà nước, doanh nghiệp triển khai, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị khi sử dụng các nền tảng số.