An Giang xây dựng thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả khả quan, tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, tập trung tổ chức hỗ trợ các địa phương xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ xây dựng ấp nông thôn mới tại các xã biên giới, xã khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng đối với các xã đã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”.
0:00 / 0:00
0:00
An Giang hỗ trợ sản phẩm OCOP.
An Giang hỗ trợ sản phẩm OCOP.

An Giang xác định công tác truyền thông, tuyên truyền là một giải pháp quan trọng, vừa song hành trong thực hiện triển khai chương trình "Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới"; vừa thông tin các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, phản ánh thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chương trình.

Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”; kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới để từ đó những chỉ đạo thực hiện cụ thể, hiệu quả và điều chỉnh các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh cũng đề ra các mục tiêu cụ thể góp phần đưa các chủ trương, chính sách, định hướng, nội dung về thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận trong triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cải thiện năng lực cho cán bộ, đảng viên, người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”.

Phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, tạo sự đồng thuận và đồng lòng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang, để các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới trở thành những “Miền quê đáng sống”

An Giang xây dựng thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1
Một con đường bê-tông nhựa hóa ở xã nông thôn mới huyện Thoại Sơn.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang thông tin, từ đó, kết quả duy trì bộ tiêu chí huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận gồm thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn.

Đến tháng 10/2023, có 71/110 xã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt tỷ lệ 64,54%); xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” có 29 xã; có 8 ấp đạt chuẩn “Nông thôn mới” tại các xã biên giới, xã khó khăn.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành và thị xã Tân Châu.

Chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có thêm ít nhất 31 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 87/110 xã (đạt tỷ lệ 79,09%). Có thêm ít nhất 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nâng cao đến năm 2025 là 37/87 xã nông thôn mới (đạt tỷ lệ 42,53%). Phấn đấu có ít nhất 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ hơn 10%); phấn đấu có 60% ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2021-2025: bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 18 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 90 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%.

Chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2023-2025: Phấn đấu có thêm 16 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 10%); có 46 ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp nông thôn mới; có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

An Giang xây dựng thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2

An Giang thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp xây dựng nông thôn mới thông minh.

Để đạt được kết quả như kỳ vọng, tỉnh tiếp tục chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện các mô hình cảnh quan không gian sáng xanh sạch đẹp, mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng giai đoạn trên địa bàn, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm biểu dương, khích lệ tập thể, cá nhân, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, cộng đồng và xã hội.

Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại hình hợp tác, tiền đề để xây dựng các chuỗi liên kết thật sự bền chặt, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro; giúp củng cố tiêu chí về tổ chức sản xuất và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân.

Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và kết nối cung-cầu cho sản phẩm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh…