Kinh tế-xã hội An Giang có nhiều chuyển biến tích cực

Trong năm 2023, kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
An Giang tổ chức họp tri ân doanh nhân doanh nghiệp đã đóng góp cho nền kinh tế tỉnh phát triển.
An Giang tổ chức họp tri ân doanh nhân doanh nghiệp đã đóng góp cho nền kinh tế tỉnh phát triển.

Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội.

Từ những nỗ lực đó, trong năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh An Giang đã có nhiều khởi sắc so cùng kỳ năm trước, tạo nên khí thế mới, động lực mới trong tăng trưởng và phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng được ban hành và triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Đáng kể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế; công nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới vẫn được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,34%, đạt kế hoạch tỉnh đề ra (7,0-7,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,54%; thuế trừ trợ cấp tăng 5,53%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,55 triệu đồng/năm.

Kinh tế-xã hội An Giang có nhiều chuyển biến tích cực ảnh 1

Nông dân An Giang thu hoạch lúa.

Năm 2023, tỉnh thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu chưa đạt.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ước đạt 41.320 tỷ đồng, tăng 23,79% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1.172 triệu USD, tăng 1,42% so cùng kỳ.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh trong năm 2023 cụ thể như sau: xuất khẩu gạo đạt 340 triệu USD, tăng 8,97% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn trong cả năm 2023 ước đạt 7.045 tỷ đồng, bằng 93% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 410 tỷ đồng, bằng 91% so cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 6.635 tỷ đồng, bằng 93% so cùng kỳ.

Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện chu đáo, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Tính đến kỳ báo cáo, toàn tỉnh đã chi trợ cấp Tết theo Quyết định của Chủ tịch nước cho hơn 12,8 nghìn người có công và thân nhân với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; chi trợ cấp Tết theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho hơn 31 nghìn người có công và thân nhân với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng...

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bứt phá thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. An Giang tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến; thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7,5-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,27-70,88 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội là 47.867 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu là 1.185 triệu USD; thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 53,97%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 71,3%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5-1%; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 10,68 bác sĩ/vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt 28 giường/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 75%.

Kinh tế-xã hội An Giang có nhiều chuyển biến tích cực ảnh 2
Ngành văn hóa tổ chức vui chơi giải trí trong mùa nước nổi.

Tỉnh triển khai Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn tổ với chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân vào nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình khuyến công nhằm đổi mới mới máy móc thiết bị, mô hình quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tỉnh; tổ chức tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tỉnh An Giang.

Hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư vào tỉnh An Giang; mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang từng bước cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Tổ chức lập điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.