Chung tay vì một Hà Nội xanh

Với thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh”, trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THCS Dục Tú (Đông Anh) phân loại rác và ủ phân hữu cơ. (Ảnh Hoàng Ngân)
Học sinh Trường THCS Dục Tú (Đông Anh) phân loại rác và ủ phân hữu cơ. (Ảnh Hoàng Ngân)

Chương trình “Trường học xanh-Vì một Hà Nội xanh” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh về các vấn đề môi trường, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều giáo viên, học sinh.

Từ 30 trường học tại ba quận, huyện theo kế hoạch dự kiến, chương trình thu hút sự tham gia của 69 trường học tại bốn quận, huyện của thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, các trường đều ghi nhận ý nghĩa tích cực của chương trình và mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn hoạt động xây dựng trường học xanh. Tất cả trường học đồng ý với các tiêu chí trong “Dự thảo Khung tiêu chí Trường học xanh”.

Tại Trường tiểu học Điện Biên (quận Hoàn Kiếm), các hoạt động bảo vệ môi trường được lồng ghép, hướng dẫn cho học sinh ngay từ những việc rất nhỏ trong sinh hoạt thường ngày. Đó là ‘‘Tuần lễ nói không với nhựa dùng một lần”, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm ngay từ gia đình và lớp học như tắt các thiết bị điện khi đi ra ngoài.

Cô giáo Trương Mỹ Hạnh, Tổng phụ trách Trường tiểu học Điện Biên thông tin: Trong chương trình “Xây dựng trường học xanh”, hoạt động gây hứng thú và bổ ích nhất đối với học sinh là cuộc thi “Đại sứ xanh”. Nhiều hoạt động khác như phân loại rác và ủ rác hữu cơ đã thu hút sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh, học sinh. Nhà trường đã tạo được một không gian xanh trong khuôn viên, mang lại bầu không khí mát mẻ trong lành, qua đó giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Với giải pháp “Xanh hóa giao thông” Thủ đô, bà Trịnh Thúy Anh - Quản lý truyền thông của Dat Bike cho rằng: Phần lớn nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam là do các phương tiện chạy bằng xăng và 70% trong số đó là xe máy. Do đó, xe máy điện sẽ là giải pháp thiết thực nhất, thân thiện để mọi người dân Thủ đô có thể tiếp cận được để cải thiện chất lượng không khí.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: Quận đã và đang triển khai mô hình thu gom rác thải có giá trị thấp, thí điểm tại tám phường về việc thu gom phân loại rác ngay từ đầu nguồn, nhất là rác thải nhựa, để xử lý theo đúng quy trình, giảm tới mức thấp nhất tác hại ảnh hưởng môi trường. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tin tưởng, khi mô hình thí điểm được triển khai trên diện rộng, cộng đồng dân cư, trong đó có các em nhỏ sẽ ý thức về việc phân loại rác, nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều biện pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Nhờ đó đến nay, gần 30% lượng nước thải sinh hoạt của Thủ đô được xử lý; tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; các trạm quan trắc môi trường được tăng cường.

Thành phố đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường, phấn đấu trong năm nay trồng mới từ 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn có xu hướng gia tăng. Điển hình như chất lượng môi trường không khí, nồng độ bụi tại nhiều khu vực của Hà Nội còn vượt tiêu chuẩn cho phép. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt nhất là khu vực nông thôn, chưa được xử lý triệt để, thiếu công nghệ hiện đại; mạng lưới thu gom, thoát nước thải của thành phố chưa đồng bộ và hoàn thiện, nước thải chưa được xử lý ở đầu nguồn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong năm 2022, với sự chung tay của các tổ chức và người dân, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thông qua Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí, Đề án Phân loại rác tại nguồn, Đề án Cải thiện và phục hồi các sông nội đô và nhiều chương trình, kế hoạch khác với quyết tâm biến Hà Nọi trở thành điểm đến xanh, “tọa độ xanh” trên bản đồ thế giới. Thành phố Hà Nội kêu gọi tất cả sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước và mỗi người dân Thủ đô có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.