Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay, toàn khu vực phía nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó, có bốn ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính. Riêng tại thành phố, ghi nhận số ca mắc bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay.
Trong 23 tuần đầu năm, số ca mắc tay chân miệng tích lũy của thành phố gần 2.410 ca, chưa ghi nhận ca tử vong. Về công tác thu dung điều trị, tính từ đầu năm đến ngày 21/6, tổng cộng đã có khoảng 940 ca tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của thành phố; trong đó, có gần 50 ca nặng và đã có bốn trường hợp tử vong (như đề cập ở trên), là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về.
Trước chiều hướng gia tăng của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).
Cụ thể, ở kịch bản thứ nhất, dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị tay chân miệng trong tình huống này cần hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi tay chân miệng được ưu tiên tập trung điều trị tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố.
Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50-100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, thành phố sẽ chuyển sang kịch bản thứ hai. Lúc này, tổng số giường điều trị tay chân miệng sẽ cần 700 giường, với 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi tay chân miệng được điều trị tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh).
Kịch bản thứ ba dự kiến được triển khai khi thành phố có từ 100-200 ca tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi nặng điều trị tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đồng thời, hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa đến tính mạng. Ngoài việc đưa ra các giải pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, ngành y tế thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc vận động, tuyên truyền cho người dân, nhất là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh.
Cụ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất; theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, yếu tay chân.