Những ngày này, các thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh đang tích cực chăm sóc các ruộng rau để kịp thu hoạch và cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, thời tiết vụ đông nhiều nắng, ít rét đậm, rét hại, cộng với phần lớn diện tích trồng rau được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho nên các loại rau màu phát triển tốt.
Đáng chú ý, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng bảo đảm, đến nay, Hợp tác xã đã có 18 sản phẩm được công nhận OCOP, giúp cho giá trị sản phẩm tăng lên và tiêu thụ thuận lợi hơn. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, từ tháng 10, các xã viên đã xuống giống gieo trồng nhiều loại rau, củ vụ đông có giá trị kinh tế cao, như cải chíp, súp lơ, cà chua…
Nhờ kỹ thuật canh tác tốt và thời tiết thuận lợi, sản lượng rau đạt cao. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn rau. Dự kiến dịp Tết, Hợp tác xã sẽ cung cấp từ 350 đến 400 tấn rau/ngày.
Người trồng rau tại các xã Tiền Phong, Văn Khê, Đại Thịnh… của huyện Mê Linh cũng đang tất bật sản xuất rau vụ đông. Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh, diện tích trồng rau của huyện là hơn 3.800 ha; năng suất trung bình khoảng 25 tạ/ha, sản lượng khoảng 98.000 tấn/năm.
Để nâng cao giá trị cho cây rau, huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) đã có 18 loại rau ăn lá, cà chua, củ cải trắng được công nhận sản phẩm OCOP; Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nhân (xã Tiền Phong) có 12 loại rau ăn lá, su hào, mướp hương, dưa chuột được công nhận sản phẩm OCOP; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) có 6 loại rau gia vị được công nhận sản phẩm OCOP…
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội nhận định, trong các tháng Tết, người dân tiêu thụ khoảng 100.000 tấn rau xanh, tăng khoảng 15% so với tháng bình thường. Vụ đông năm nay, thành phố gieo trồng hơn 28.510 ha. Thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại rau cho nên lượng rau xanh phục vụ nhu cầu thị trường rất phong phú, chất lượng...
Cùng với rau, gia cầm là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ rất cao trong dịp Tết. Hiện nay, tổng đàn gia cầm của Hà Nội khoảng 41,9 triệu con, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nỗi lo dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm bùng phát trong dịp cao điểm phục vụ Tết vẫn hiển hiện do tổng đàn gia cầm của thành phố lớn, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết và Hà Nội là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ một lượng lớn gia cầm…, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung.
Những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh quy hoạch, phát triển được 98 khu chăn nuôi gia cầm tập trung ngoài khu dân cư. Ngành nông nghiệp cũng chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, với số lượng hơn 27 triệu con; đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ đàn gia cầm, không để dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng nguồn cung trong dịp Tết.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm, thủy sản thiết yếu của thành phố, mỗi tháng khoảng 96.650 tấn gạo, khoảng 19.500 tấn thịt lợn, khoảng 5.350 tấn thịt bò, khoảng 6.500 tấn thịt gà, khoảng 130 triệu quả trứng gia cầm, khoảng 19.250 tấn thủy sản...
Trong khi đó, thành phố cơ bản tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 60%. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cho người dân Thủ đô, nhất là trong dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã kết nối, phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm.