Chăm lo hỗ trợ người lao động

Ngày làm việc cuối cùng cuối tháng 11/2022, nhóm công nhân Công ty may Tỷ Hùng (quận Bình Tân) đã hùn nhau người chai nước ngọt, người vài quả trứng vịt lộn, người vài ki lô gam trái cây... để vui với nhau một bữa, chia tay ngay tại vỉa hè gần công ty sau nhiều năm làm việc chung với nhau. Những ngày sau đó, 1.200 công nhân đã được thông báo nghỉ việc sẽ mỗi người một hướng, tiếp tục tìm cách lo toan cho cuộc sống của riêng mình.
0:00 / 0:00
0:00

Công ty may Tỷ Hùng cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải cho công nhân nghỉ việc vì không có đơn hàng sản xuất. Công ty Sun Kyoung Việt Nam (quận 12) chấm dứt hợp đồng với 826 công nhân; Công ty Ta shuan (khu công nghiệp Tân Tạo-Bình Tân) chấm dứt hợp đồng với 169 công nhân. Riêng Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) do đơn hàng bị ảnh hưởng nên đã lên kế hoạch cho 20.000 công nhân ở một số khu xưởng nghỉ luân phiên 14 ngày, bắt đầu từ ngày 1/12/2022 đến 28/2/2023. Và còn rất nhiều công ty nữa đang có kế hoạch chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân, rồi giải thể.

Theo thống kê mới nhất của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 155 doanh nghiệp giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, kéo theo 50.157 người lao động bị ảnh hưởng. Ðó là, chưa kể tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thanh toán tiền lương không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm.

Những ngày cuối năm, khi nhiều công ty bắt đầu công bố lương, thưởng Tết thì có hàng nghìn công nhân mất việc làm. Trước tình trạng này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm việc làm và quyền lợi của người lao động. Ðó là, các giải pháp tìm việc làm mới cho người lao động; bảo đảm cho những người lao động bị mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ về nhà ở, trường học cho con công nhân... Song song đó, các chương trình mua hàng ưu đãi; tặng quà, vé xe, vé tàu cho người lao động; tổ chức Tết cho người lao động xa quê ở lại thành phố... Tuy nhiên, dù nỗ lực, nhưng số công nhân được giúp đỡ như muối bỏ biển so với hàng nghìn lao động bị mất hoặc giảm giờ làm.

Ðể có thể giải quyết căn cơ những khó khăn như hiện nay, lúc này Nhà nước cần có một chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, không có việc như đã làm trong và sau đại dịch Covid-19. Ðồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giữ được chân lao động trong giai đoạn trước mắt để hy vọng trong một hai quý tới sẽ có được đơn hàng trở lại. Những mong muốn của doanh nghiệp hiện nay từ phía Nhà nước để giảm bớt khó khăn là lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn; giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp; ngân hàng giãn vốn cho doanh nghiệp đang vay; giảm thanh tra, kiểm tra. Các doanh nghiệp cũng mong muốn các tổ chức công đoàn, các ban, ngành liên quan có nhiều chính sách phối hợp với doanh nghiệp chăm lo Tết cho người lao động, kết nối, tìm việc làm cho người lao động để người lao động vượt qua được những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Tết đã cận kề, cần lắm những chính sách hợp lý, những tấm lòng hỗ trợ người lao động.