Cần giải pháp căn cơ để khắc phục

Mệt mỏi, căng thẳng, bức xúc là tâm trạng của hàng trăm phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ tuyển sinh cho con vào các trường trung học phổ thông (THPT) công lập tự chủ, dân lập Phan Huy Chú, Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu... tại Hà Nội trong những ngày vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tại Hà Nội năm nào cũng là kỳ thi căng thẳng nhất, nhiều áp lực nhất đối với các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo. Trong số hơn 120 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, dự thi vào lớp 10 năm 2023, thì chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập là 72 nghìn em, chiếm 57,5%, các trường THPT công lập tự chủ và tư thục tuyển 23,2%. Ðây là kỳ thi có tỷ lệ chọi rất cao vì hầu hết gia đình đều mong muốn con em mình thi đỗ vào các trường THPT công lập bởi chất lượng giáo dục tốt và mức học phí hợp lý đối với ngân sách của hầu hết các gia đình. Những học sinh còn lại không đủ điểm vào các trường THPT sẽ được phân luồng vào các trường tư thục, công lập tự chủ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các trường trung cấp và cao đẳng.

Tỷ lệ chọi và sự cạnh tranh diễn ra gay gắt nhất là đối với học sinh ở nội thành Hà Nội, tập trung ở các quận trung tâm bởi khu vực này có dân số đông, dân trí cao, tỷ lệ học sinh khá, giỏi nhiều, trong khi số trường học THPT ít và nhiều năm nay không được xây dựng thêm trường mới bởi không có quỹ đất. Chính vì vậy, các trường THPT ở khu vực các quận trung tâm thường lấy điểm rất cao (hơn 40 điểm), khiến nhiều em dù đạt 38, 39 điểm, tuy cao gấp đôi điểm chuẩn nhiều trường THPT công lập ở khu vực ngoại thành, nhưng vẫn bị trượt, rất thiệt thòi cho các em. Các em không trúng tuyển các trường THPT công lập thì lựa chọn học tại các trường tư thục, công lập tự chủ trong nội thành. Tuy nhiên, trong số các trường công lập tự chủ, tư thục, có không ít trường có học phí cao mà nhiều gia đình không đáp ứng được. Vì vậy, các trường có chất lượng giáo dục tốt, học phí vừa phải như các trường Phan Huy Chú, Hoàng Cầu, Tạ Quang Bửu… được nhiều phụ huynh ưu tiên lựa chọn, số lượng đăng ký vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh của trường, cộng với việc tuyển sinh của các trường không khoa học, dẫn đến lộn xộn, gây bức xúc trong dư luận.

Ðể không tái diễn tình trạng cha mẹ phải xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ tuyển sinh cho con vào các trường THPT công lập tự chủ, tư thục, thì từ năm học tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo cần yêu cầu tất cả trường học tuyển sinh trực tuyến, minh bạch, công khai các thông tin tuyển sinh để giảm vất vả cho phụ huynh. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Ðào tạo cùng Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, các quận cần quyết liệt lên phương án tìm quỹ đất xây dựng thêm trường trong khu vực nội thành.