Cần gia đình vào cuộc để bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh

Từ ngày 1/10, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã triển khai các tổ công tác xử lý nghiêm tình trạng học sinh, cha mẹ học sinh vi phạm giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an huyện Mỹ Đức) lập biên bản xử phạt. (Ảnh Phạm Công)
Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an huyện Mỹ Đức) lập biên bản xử phạt. (Ảnh Phạm Công)

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt. Thực tế này đòi hỏi sự phối hợp tốt hơn từ nhà trường cũng như ý thức của các gia đình cần được nâng cao hơn để bảo đảm an toàn cho chính con em mình.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đẩy mạnh phối hợp với chính quyền, nhà trường, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các kỹ năng an toàn giao thông cho học sinh các cấp trên địa bàn Thủ đô.

Tại các địa phương, các đơn vị cũng tích cực vào cuộc. Đại điện Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an huyện Mỹ Đức) cho biết, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp các cơ sở giáo dục, gia đình trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.

“Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học”, đại diện chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (Công an huyện Mỹ Đức) cho biết thêm.

Từ ngày 1/10 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Mỹ Đức) đã tiến hành xử lý 50 trường hợp, trong đó có 47 trường hợp là học sinh và 3 trường hợp cha mẹ chở học sinh vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là không có bằng lái, không có giấy đăng ký xe và không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy.

Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các bậc cha mẹ và học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, cơ quan công an gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, phổ biến kiến thức về an toàn giao thông đến hơn 129.000 học sinh và 11.000 giáo viên tại các trường học. Ngoài ra, hơn 1.200 mũ bảo hiểm đã được tặng cho các em học sinh, nhiều mô hình “cổng trường an toàn giao thông” đã được xây dựng.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông, số lượng học sinh vi phạm đã giảm dần, tuy nhiên qua kiểm tra vẫn còn không ít trường hợp học sinh và cha mẹ học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định, cha mẹ giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện…

Sau ba tuần triển khai, lực lượng cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 3.000 phương tiện và xử phạt hành chính 338 phụ huynh. Bên cạnh đó, hơn 3.300 trường hợp học sinh vi phạm đã được thông báo về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để phối hợp giáo dục.

Theo lực lượng chức năng, mọi chế tài chỉ phát huy hiệu quả nếu nhà trường và gia đình nêu cao tinh thần phối hợp trong xử lý vi phạm và tuyên truyền để học sinh hiểu và nhận thức rõ hành vi của mình.

Đại úy Phạm Văn Nghĩa, Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Ứng Hòa) nhấn mạnh: “Các bậc cha mẹ cần giáo dục các cháu để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, bảo đảm an toàn cho chính mình cũng như người tham gia giao thông khác”. Anh Trần Văn Việt, ở quận Đống Đa, đồng tình: “Đây là việc làm cần thiết và đúng đắn, giúp chúng tôi ý thức hơn để bảo vệ sự an toàn cho chính mình và cho con em mình”.