Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố có hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1,1 triệu xe ô-tô; 6,7 triệu xe mô-tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%. Diện tích này chỉ đáp ứng từ 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, năm 2019, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND với nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm...
Điều đáng nói là, sau nhiều năm triển khai, cho đến nay, trên địa bàn thành phố mới có 57 bãi đỗ xe được đầu tư xây dựng, trên tổng số 1.620 bãi đỗ xe được quy hoạch. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án giao thông tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vị trí, địa điểm một số dự án kêu gọi đầu tư chưa thật sự thu hút nhà đầu tư.
Mặt khác, quy hoạch các dự án bến xe, bãi đỗ xe mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư vào triển khai phải lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết trước khi tổ chức triển khai thực hiện dự án, việc này mất rất nhiều thời gian. Quan trọng hơn nữa là bài toán kinh tế khiến các doanh nghiệp không mặn mà với lĩnh vực này.
Với những yêu cầu cấp bách về giao thông tĩnh như hiện nay, thành phố cần có những chính sách đột phá để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực này. Thành phố cần nghiên cứu, thay đổi chiến lược kêu gọi đầu tư bằng những giải pháp thiết thực, tích cực, như: Lập, công bố công khai danh sách dự án, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường nhân sự hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp…
Thành phố cũng cần liên tục mở các hội nghị xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, phổ biến các quy định của pháp luật và kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp công nghệ, khoa học hiện đại phù hợp, qua đó định hướng ngay từ đầu, ưu tiên cho các dự án giao thông thông minh.