Cần cải thiện chất lượng không khí ở Thái Nguyên

NDO - Thời gian gần đây, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam do Công ty cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) cảnh báo, chỉ số chất lượng không khí tại Thái Nguyên ở mức rất có hại và nguy hiểm cho sức khỏe. Tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường kiểm soát khí thải công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cần kiểm soát chặt chẽ khí thải ngành công nghiệp nặng ở Thái Nguyên.
Cần kiểm soát chặt chẽ khí thải ngành công nghiệp nặng ở Thái Nguyên.

Vào 11 giờ ngày 31/1, một số điểm đo tại tỉnh Thái Nguyên có chỉ số AQI ở mức 201-300, đây là mức có hại cho sức khỏe. Trước đó, sáng 9/1, ứng dụng PAM Air cho thấy chỉ số chất lượng không khí điểm đo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên ở mức nguy hiểm, mức cao nhất trên thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI trên 300).

Các nhà chuyên môn cho biết, các mức chỉ số không khí này có hại cho sức khỏe, người bình thường cần hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời, chuyển các hoạt động vào trong nhà, nếu cần thiết phải ra ngoài thì nên đeo khẩu trang đạt chuẩn. Người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.

Với chất lượng không khí như vậy, người dân có thể cảm nhận được các ảnh hưởng tới sức khỏe, trong đó người nhạy cảm với ô nhiễm không khí sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn. Tại một số khu vực chưa có điểm đo chất lượng không khí, nhất là các khu vực có nhà máy sản xuất thép, phôi thép, các nhà máy liên quan đến ngành thép, người dân thường xuyên phải sống trong bầu không khí khói bụi, mùi khét, bụi bẩn bởi các hoạt các hoạt động vận tải vật liệu xây dựng, khoáng sản.

Để phòng ngừa, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật chất lượng không khí tại các website của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hoặc qua ứng dụng PAM Air để biết chất lượng không khí từng thời điểm.

Chỉ số AQI tại một số điểm đo tại Thái Nguyên ở mức có hại cho sức khỏe con người không chỉ do phát thải tại khu vực đó gây ra, mà còn do một số khu vực, địa phương khác tác động. Do đó, để cải thiện chất lượng không khí, hướng tới chất lượng không khí trong lành, không chỉ kiểm soát tốt nguồn phát thải tại khu vực có điểm đo, mà cần kiểm soát phát thải của cả khu vực.

Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp, xây dựng, khai khoáng phát triển, nhất là tại thành phố Thái Nguyên và khu vực phía nam của tỉnh. Trong đó, có những nhà máy sản xuất thép và liên quan sản xuất thép được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, công nghệ cũ, nên cần tăng cường quan trắc, kiểm soát thường xuyên.

Chất thải của nhiều mỏ than, khai thác khoáng sản đang được chất cao như núi, vào mùa khô bụi phát tán theo chiều gió hàng km, gây ô nhiễm không khí. Nếu lượng đất đá thải khổng lồ này được tận dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng thì không chỉ góp phần cải thiện chất lượng không khí, mà còn góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm đất san lấp trên địa bàn, đóng góp nguồn thu cho ngân sách.