Lo lắng ô nhiễm không khí kéo dài

Hà Nội đang đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm không khí rất đáng lo ngại. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, các trục đường giao thông lớn đều ô nhiễm với các cấp độ khác nhau. Việc đưa ra những định hướng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Nồng độ bụi mịn ở Thủ đô ngày càng tăng cao nhưng người dân rất khó phân biệt.
Nồng độ bụi mịn ở Thủ đô ngày càng tăng cao nhưng người dân rất khó phân biệt.

1/Vào cuối năm, đặc biệt là từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau, tại Hà Nội thường xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí khá đậm đặc. Nhìn thoáng qua, nhiều người cứ ngỡ là thành phố mờ sương như Đà Lạt nhưng đây là hiện tượng sương mù hỗn hợp do hơi nước kết hợp bụi mịn trong không khí thường xuất hiện vào mùa khô tạo thành. Hiện tượng này từ lâu đã được các nhà khoa học cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, ở mức báo động đỏ, rất nguy hại tới sức khỏe.

Trong bảng xếp hạng chất lượng không khí tại Việt Nam theo thời gian thực của ứng dụng IQAir (là ứng dụng đo mức độ ô nhiễm không khí) thì Hà Nội có tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề. Ứng dụng này đã được sử dụng phổ biến. Nhiều cơ quan, người dân có thể tải xuống để đo, tìm hiểu mức độ ô nhiễm hằng ngày nhằm phục vụ cho việc đi lại, làm việc ngoài trời. Theo đó, tính đến 17 giờ 20 phút ngày 9/11/2022, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 15,9 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của WHO. Chỉ số này được coi là không lành mạnh với sức khỏe con người. Theo những kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đặng Mạnh Đoàn, Trần Thị Diệu Hằng và Phan Ban Mai của Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường, thì chất lượng không khí ở khu vực ngoại thành Hà Nội tuy ít bị ô nhiễm bởi các khí CO, SO2, NO2… nhưng ở nội thành thì hầu hết đều bị ô nhiễm với mức độ khác nhau.

Một trong những nguyên nhân làm tăng nồng độ ô nhiễm không khí là sự gia tăng các loại phương tiện giao thông, cũng như ý thức người dân khi tham gia giao thông. Hàng loạt các yếu tố như xe quá cũ hay hết thời gian sử dụng, hệ thống khí thải không đạt yêu cầu, lượng khí thải không bảo đảm tiêu chuẩn thải… đang khiến không khí thêm ngột ngạt. Ngoài ra, cả thành phố giống như một công trường lớn với hàng nghìn công trình lớn, nhỏ đang thi công. Trong đó có hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, khu đô thị mới với quy mô lớn, nhưng thời gian kéo dài, gây ô nhiễm bụi trong cả khu vực rộng lớn. Mỗi tháng còn có vài con đường bị đào xới để làm mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, lắp đặt, sửa chữa… Lượng khí bụi từ việc khoan cắt, đục phá bê-tông bay ra môi trường rất lớn nhưng ít được xử lý, che chắn, và vỉa hè thường bị sử dụng làm nơi tập kết vật liệu, vì vậy bụi luôn phát tán vào môi trường. Thậm chí hoạt động dọn vệ sinh, hút bụi tại các tuyến phố cũng thực hiện sai cách khiến lượng bụi tăng lên. Những nguyên nhân trên khiến ô nhiễm bụi ở Hà Nội luôn ở mức cao.

2/Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em và người già là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trong đó, bụi mịn (PM2.5) là những hạt bụi nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy, là tác nhân gây ô nhiễm không khí có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe.

Nhiều chuyên gia nhận định, nước ta còn thiếu các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm không khí. Tình hình ô nhiễm không khí tại Thủ đô chỉ được cải thiện khi trời có mưa, nhưng khi hết mưa thì mức độ bụi mịn lại tăng cao trở lại. Do đó, việc hạn chế phương tiện giao thông như thế nào, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tái chế thủ công, đốt rác… được quản lý ra sao đòi hỏi các cấp, ban, ngành làm rõ để phần nào hạn chế tình trạng chất lượng không khí suy giảm.

Thực tế, nhiều nội dung, thể chế, chính sách pháp luật liên quan vấn đề môi trường vẫn chưa bao quát, điều chỉnh được hết tất cả các vấn đề. Do vậy, để giải quyết tình trạng ô nhiễm một cách triệt để, cần có sự kết hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế về nhiều mặt như kỹ thuật, khoa học-công nghệ, phương thức quản lý để xây dựng các mô hình mô phỏng tác động của ô nhiễm, từ đó ước tính lượng phát thải trong tương lai để đưa ra các biện pháp hạn chế, cải thiện tình trạng nêu trên.

Thời điểm này, ô nhiễm không khí cùng thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Theo thống kê của WHO, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì có sáu bệnh liên quan đường hô hấp mà nguyên nhân xuất phát từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1/5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.