Báo động tình trạng ô nhiễm không khí

Trong nhiều ngày qua, từ sáng sớm đến tận trưa, đi trên các tuyến đường, người dân TP Hồ Chí Minh dễ dàng nhận thấy bầu không khí được bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc. Không những vậy, mức độ tiếng ồn và bụi mịn đều vượt chuẩn. Theo các chuyên gia, người sống trong môi trường này dễ mắc bệnh về đường hô hấp, tăng nguy cơ bùng phát các bệnh nền, ảnh hưởng đến thính lực.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí vượt chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí vượt chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Không khí ô nhiễm vượt chuẩn

Là thành phố lớn và phát triển bậc nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang phải chịu tình trạng ô nhiễm không khí khi chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi vượt mức cảnh báo đỏ, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, bụi mịn và tiếng ồn trên địa bàn thành phố tiếp tục vượt chuẩn. Theo đó, kết quả khảo sát nồng độ bụi mịn (PM2.5) tại thành phố dao động từ 21-52 µg/m3 (QCVN 50 µg/m3). Các chỉ số như bụi có 16,7% giá trị quan trắc không đạt, tiếng ồn có 100% giá trị quan trắc không đạt và benzen có 11,5% giá trị quan trắc không đạt. Các yếu tố này vượt ngưỡng do ảnh hưởng của hoạt động giao thông.

“Thời điểm cuối năm, bên cạnh thời tiết nắng nóng, hanh khô thì lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, xe cộ luôn đông đúc khiến không khí trở nên ngột ngạt vì khói bụi”, ông Nguyễn Khải Hoan (63 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phản ánh. Tương tự, bà Trần Thị Hoàng Hà (57 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, thời điểm giao mùa cuối năm ngoài việc thời tiết thất thường thì môi trường không khí không được bảo đảm khiến bản thân ho và viêm mũi kéo dài.

Báo động tình trạng ô nhiễm không khí ảnh 1

Hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và lượng bụi mịn trong không khí tăng cao hơn vào dịp cuối năm, vì đây là thời điểm các hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng... tăng cao hơn. Cũng chính vì vậy mà trong nhiều ngày qua, từ sáng sớm đến tận trưa, đi trên các tuyến đường, người dân TP Hồ Chí Minh dễ dàng nhận thấy bầu không khí như được bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc.

Theo nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Trung Việt, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm, thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố công bố với tên gọi “mù quang hóa”. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn. “Thực tế, thời gian qua, thành phố cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cảnh báo sớm và giảm tình trạng ô nhiễm không khí nhưng chưa đạt kết quả mong muốn”, ông Nguyễn Trung Việt nêu.

PGS, TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phân tích, lượng bụi mịn PM2.5 của thành phố hiện cao gấp 4-5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Riêng tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố. Còn tổng phát thải khí nhà kính của TP Hồ Chí Minh là hơn 58 triệu tấn CO2/năm, trong đó, sản xuất công nghiệp 30%, giao thông vận tải 20%.

Theo PGS, TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh, bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Con người khi hít phải sẽ len lỏi sâu vào trong phổi, phế quản, máu,… gây ra nguy cơ các bệnh về phổi, máu, mạch… Nghiên cứu của WHO cho rằng bụi PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong ô nhiễm môi trường.

Thực tế, TP Hồ Chí Minh có mức ô nhiễm không khí đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Jakarta của Indonesia và đứng thứ 12 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Có thể nói, ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh có nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Trong khi, việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả…

Cấp bách cải thiện ô nhiễm không khí

Để cải thiện và giảm tình trạng ô nhiễm không khí, PGS, TS Hồ Quốc Bằng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe mô-tô, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng xe thường xuyên. Qua đó, tiến tới chuyển từ xe mô-tô sang sử dụng xe công cộng, tàu điện hoặc xe bus sạch; thay thế xe bus dùng công nghệ cũ bằng xe bus dùng nhiên liệu sạch hơn. “Cần tăng cường giám sát hoạt động này từ đầu vào. Cụ thể, phải kiểm soát qua hệ thống đăng kiểm, giới hạn thời gian lưu hành xe máy và có cơ chế thu hồi xe cũ gây ô nhiễm”, PGS, TS Hồ Quốc Bằng góp ý.

Còn theo GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), ngành môi trường thành phố cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng với các mục tiêu như tăng cường hiểu biết về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân, tăng số người nắm bắt thông tin về chất lượng không khí, nâng cao nhận thức về các nguồn gây ô nhiễm không khí; nâng cao nhận thức, hành động mà mỗi cá nhân có thể làm để giảm ô nhiễm không khí.

Báo động tình trạng ô nhiễm không khí ảnh 2

Xe bus xả khói đen kịt ra môi trường tại TP Hồ Chí Minh.

Để giảm ô nhiễm không khí, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho biết, thành phố cũng triển khai dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí (dự án TA9608-REG). Theo kịch bản, nếu 50% số xe máy được chuyển sang chạy bằng xe điện sẽ giúp cải thiện được từ 1%-6% nồng độ NO2, 1%-10% PM10, 6% PM2.5 thải ra môi trường. Trong khi đó, ở kịch bản mở rộng, khu vực hạn chế phương tiện nếu 50% số xe hơi bị hạn chế sẽ giúp cải thiện được 5% nồng độ NO2, 3% SO2, 6% PM10, 2% PM2.5 ra môi trường. Kịch bản chuyển đổi nhiên liệu cho xe tải cũng góp phần đáng kể giảm khí thải ra môi trường. Theo đó, nếu 50% xe tải được chuyển đổi nhiên liệu, có 2%-6% nồng độ NO2, 1%-7% PM10, 0%-7% PM2.5 được cải thiện.

Ngoài nghiên cứu chất lượng không khí tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý thì dự án cũng hướng tới các giải pháp giảm ô nhiễm không khí thông qua đổi mới công nghệ, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh.

Mặt khác, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hợp tác với Trung tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo Ireland triển khai dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR với sáu trạm quan trắc trên địa bàn thành phố để thu thập dữ liệu, xử lý và đưa ra những dự đoán về ô nhiễm không khí thông qua app, sau đó dự án sẽ đưa ra chính sách làm thế nào để giảm tình trạng này. Theo kế hoạch, dự án sẽ tiếp tục xây dựng thêm 10 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố để có thể đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm không khí trên toàn địa bàn thành phố.

Để giảm ô nhiễm không khí, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí, đồng thời, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó, kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%.