Những năm đầu sau giải phóng, vùng Đồng Tháp Mười có hơn 30.000ha đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, ngập lũ hằng năm và kéo dài, đất đai bị nhiễm phèn nặng, đời sống người dân rất khó khăn.
Chính vì vậy, khi đặt vấn đề khai thác vùng đất này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đều tỏ ra quan ngại, thậm chí có ý kiến cho rằng không thể làm gì được đối với những “cánh đồng hoang” mênh mông mang đặc thù phèn nặng và ngập lụt quanh năm đã từ nghìn năm nay. Vậy mà, người dân vùng Đồng Tháp Mười đã làm được và tạo ra kỳ tích như hôm nay.
Quá trình khai phá
Nhìn lại quá trình khai thác, phát triển vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thể khẳng định, nhân tố quyết định bao trùm toàn bộ thành tựu trong khai phá Đồng Tháp Mười trước hết chính là sự đồng lòng, quyết tâm chính trị rất cao trong tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng dành cho vùng đất đầy khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng này.
Trong đó, yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn tới thành công chính là tỉnh Tiền Giang đã chọn đúng mục tiêu ưu tiên và chủ động trong biện pháp khai phá bằng đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi. Bởi, đây chính là con đường tối ưu và duy nhất trước khi tính đến phương án trồng cây gì, sản xuất gì...
Cây khóm giúp người dân vùng phèn Tân Phước xóa nghèo
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, người từng gắn bó với công cuộc khai phá vùng Đồng Tháp Mười cho biết: “Giai đoạn 1976-1995: Mở màn chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ thị đào kênh Trương Văn Sanh để tháo nước, rửa phèn trồng cây, trồng lúa.
Kênh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (ngày nay là thị xã Cai Lậy) kéo dài đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước ngày nay) dài gần 20km. Sau khi có kênh, Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng đã được hình thành gắn với chương trình di dân đến khai hoang lập nghiệp.
Sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục chủ trương đào tiếp kênh Hai Hạt song song và cách kênh Trương Văn Sanh khoảng 5km. Kết quả, vùng đất hoang hóa hơn 30.000ha vùng Đồng Tháp Mười thời điểm này đã từng bước hình thành 7 nông, lâm trường, xí nghiệp; 10 đơn vị trạm, trại với 7 xã thuộc 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành.
Cùng chủ trương xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp, thực hiện cơ chế giao khoán đất cho hộ nông dân canh tác đã có tác dụng tích cực, diện tích đất hoang đã giảm đáng kể.
Đến năm 1995, địa phương đã giao hơn 25.600ha cho khoảng 16.200 hộ, đưa vào sản xuất gần 18.300ha gồm: khóm, mía, bàng, tràm, bạch đàn, lúa, khoai mỡ, khoai mì (sắn), rau màu thực phẩm... mở ra hướng phát triển mới, đặt vùng đất này đứng trước yêu cầu khách quan và thật sự cần thiết. Đó là thành lập một đơn vị hành chính cấp huyện để trực tiếp lãnh đạo, điều hành khai hoang, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.
Cây khóm hồi sinh trên vùng "đất chết". |
Vì lẽ đó, Tiền Giang đã đề nghị và được Chính phủ chấp thuận cho thành lập huyện mới Tân Phước.
Ngày 27/8/1994, tại Hội trường Xí nghiệp Liên hiệp Mía đường, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức công bố Nghị định 68-NĐ/CP ngày 11/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập huyện Tân Phước trước 5.000 dân của huyện mới và 4 xã của huyện Châu Thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là mốc thời gian chính thức ra đời một huyện mới trên vùng đất phía bắc của tỉnh Tiền Giang.
Giai đoạn 1995-2005, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung mục tiêu đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước. Xem đây là đòn bẩy phát triển của huyện.
Song song đó, địa phương tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư giao thông, thực hiện điều động và bố trí dân cư, đẩy mạnh các hoạt động khoa học, kỹ thuật... Với các dự án của Trung ương, của tỉnh, địa phương tiến hành đào mới và nạo vét các kênh Tràm Mù, Bắc Đông, Mười Hai, Nguyễn Văn Tiếp, Lộ Mới... nhằm dẫn nước ngọt cho các tuyến kênh cấp 1, 2, 3 trong vùng, với chiều dài hệ thống kênh cấp 1 là 165km, kênh cấp 2 hơn 238km, kênh cấp 3 khoảng 238km. Đầu tư hệ thống đê bao chống lũ, với chiều dài 313km chủ yếu cho các ô bao lúa, khóm...
Mặt khác, tỉnh Tiền Giang cũng quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, nâng cấp các tuyến đường tỉnh 865, 867, 874, đường kênh 12; hệ thống đường huyện như: Bắc Đông, Nam Tràm Mù, Nam Trương Văn Sanh.
Hiệu quả của chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười, thành lập huyện mới ngày càng rõ rệt. Từ một vùng đất hoang vu, phèn chua, quanh năm ngập lũ, Tân Phước ngày nay đã trở thành một huyện đông đúc, khởi sắc, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh vững chắc.
Nhờ đó, diện tích gieo trồng lúa đạt 12.000ha/năm, diện tích khóm tăng gần 5.500ha, cây khoai mỡ tăng lên 950ha, cây ăn quả hơn 400ha, cây lâm nghiệp có gần 10.000ha tràm và bạch đàn. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp của huyện năm 2005 hơn gấp 2 lần thời điểm thành lập huyện.
Những năm gần đây, để phát triển vùng Đồng Tháp Mười hơn nữa, tỉnh Tiền Giang tiếp tục mở rộng các kênh thoát lũ, kết hợp hoàn chỉnh hệ thống đê bao cấp vùng để ngăn lũ cho các khu trồng khóm kết hợp giao thông nông thôn, xây dựng các công trình nội đồng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, hệ thống kênh các cấp được hình thành và phân bổ đều khắp và vươn sâu vào vùng Đồng Tháp Mười, hệ thống kênh mương bao gồm kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2… được xây dựng với tốc độ ngày càng nhanh.
Hiệu quả của chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười, thành lập huyện mới ngày càng rõ rệt. Từ một vùng đất hoang vu, phèn chua, quanh năm ngập lũ, Tân Phước ngày nay đã trở thành một huyện đông đúc, khởi sắc, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh vững chắc.
Đạt thành tựu to lớn
Trong 30 thành lập, huyện Tân Phước đã phát triển kinh tế-xã hội đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Phong cho biết, đến nay, huyện Tân Phước đã hình thành và phát triển vùng khóm nguyên liệu, với diện tích hơn 15.500ha, sản lượng hằng năm đạt 290.000 tấn/năm; cải tạo đưa diện tích lúa từ 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ ăn chắc, nâng diện tích gieo sạ hằng năm lên 18.500ha, năng suất bình quân lên 6,2 tấn/ha; gieo trồng hơn 1.500ha cây màu thực phẩm, mở ra gần 500ha cây khoai mỡ; hình thành khu Bảo tồn sinh thái nhằm lưu giữ các loài cây bản địa đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, với diện tích hơn 100ha và dẫn dụ hơn 36 loài chim, cò về đây trú ngụ, sinh sản.
Nhiều gia đình ở huyện Tân Phước đã khá giàu nhờ cây khóm. |
Hiện tại, huyện Tân Phước có hơn 350 doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương; trong đó, có khu công nghiệp Long Giang, với diện tích 540ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Hiện, huyện đang phối hợp cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện Cụm công nghiệp Thạnh Tân 50ha.
Đồng thời, Tân Phước tiến hành kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển khu vực công nghiệp Thạnh Tân, Cụm công nghiệp Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3 nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển công nghiệp của huyện và giải quyết số lượng lớn lao động tại địa phương và những địa phương khác.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của huyện, đồng chí Trần Hoàng Phong cho biết, huyện Tân Phước kết hợp với sở, ngành tỉnh Tiền Giang nâng cấp các tuyến đường tỉnh 865, 866, 866B, 867, 874, với chiều dài 53km.
Bên cạnh đó, địa phương còn đầu tư phát triển 15 tuyến đường cấp huyện, với tổng chiều dài 147,2km; 3 tuyến đường liên xã, với tổng chiều dài 19km; hệ thống giao thông nông thôn, với tổng chiều dài khoảng 1.100km được trãi nhựa, bê-tông hóa hoặc trãi đá cấp phối nhằm tạo thuận lợi trong việc đi lại và lưu thông hàng hóa.
Qua 30 năm hình thành và phát triển, tăng trưởng của huyện Tân Phước năm sau cao hơn năm trước; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21,84 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 tăng lên 64,34 triệu đồng/người/năm 2023 và năm 2024 tăng lên 66,55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59%.
Khai hoang vùng Đồng Tháp Mười nói chung và huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang nói riêng là sự sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, sự lãnh đạo kiên quyết và đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang; trong đó, thủy lợi chính là khâu đột phá, con người là nhân tố quyết định hồi sinh vùng đất này.
Từ mạng lưới kênh mương được đào đắp dẫn sâu vào Đồng Tháp Mười đã tạo điều kiện cho việc bố trí dân cư vào khẩn hoang, làm ăn sinh sống và phát triển sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả, biến vùng đất hoang hóa nghìn đời nay thành cơ hội đổi đời cho nhiều người dân.
Qua 30 năm hình thành và phát triển, tăng trưởng của huyện Tân Phước năm sau cao hơn năm trước; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm trên 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 21,84 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 tăng lên 64,34 triệu đồng/người/năm 2023 và năm 2024 tăng lên 66,55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59%.