Tạo sức bật cho vùng Đồng Tháp Mười

Sau gần 50 năm khai phá, vùng đất hoang hóa ở Đồng Tháp Mười thuở nào đã trở nên trù phú. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kinh tế toàn vùng còn nhiều bất cập, chưa bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống thủy lợi - một yếu tố quyết định sự thành công trong khai phá vùng Đồng Tháp Mười.
Hệ thống thủy lợi - một yếu tố quyết định sự thành công trong khai phá vùng Đồng Tháp Mười.

Bài 1: Đánh thức "con hổ ngủ"

Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, ngập lũ hằng năm. Đất đai bị nhiễm phèn nặng, đời sống người dân rất khó khăn cho dù vùng đất này được mệnh danh là "con hổ ngủ"… Và nay, "con hổ ngủ" đã được đánh thức.

Đó là thành quả từ quyết tâm chính trị rất cao, sự đồng lòng, tập trung lãnh đạo toàn diện và đúng hướng từ Trung ương đến các địa phương. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là chọn đúng mục tiêu ưu tiên, chủ động đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông.

Quyết tâm khai hoang, mở đất

Đồng Tháp Mười là "rốn phèn", "rốn lũ" của khu vực Nam Bộ. Mảnh đất trù phú có hàng nghìn năm "ngủ yên" do sự khắc nghiệt của tự nhiên. Trước nhu cầu bức xúc về lương thực và phát triển kinh tế-xã hội trong những năm đầu sau giải phóng, ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp mạnh dạn tiến vào Đồng Tháp Mười để khai hoang, mở đất, trồng lúa nước, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản...

Ông Trần Văn Tư, 75 tuổi, ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang) là một "lão nông tri điền" ở vùng Đồng Tháp Mười. Gia đình ông ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Năm 1989, hay tin Nhà nước có chủ trương giao đất để khai hoang, vợ chồng ông dắt díu tám người con vào Đồng Tháp Mười lập nghiệp. Ông dựng căn chòi nho nhỏ bằng lá để ở tạm. Mùa nước nổi, ông cùng con thay phiên cắt cỏ, mùa khô thì lên liếp trồng khoai mỡ, khoai mì. Từ 2ha ban đầu, gia đình ông mua thêm 6ha đất để tiếp tục trồng khoai mỡ, khóm (dứa). Giờ thì ông Tư không còn nghèo, các con được học hành và thành đạt. Ông trầm ngâm kể: "Mới vào đây, chúng tôi khổ lắm! Mùa khô, nắng cháy da, cháy thịt; mùa nước nổi chỉ thấy trời và nước. Ban đêm, rắn bò đầy trong nhà; chim, cò đậu trên nóc mùng; muỗi đặc không gian. Xa xa chỉ có một, hai căn chòi tạm bợ. Nơi đây, con người gặp được nhau mừng lắm! Nhiều lúc, gia đình muốn buông xuôi để đi nơi khác…".

Nhiều nông dân cơ cực ở Long An - địa phương chiếm 2/3 diện tích của vùng Đồng Tháp Mười, giờ trở thành những nông hộ giàu có. Ông Nguyễn Văn Thơi ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, sau 30 năm bám trụ Đồng Tháp Mười, hiện có 55ha đất trồng lúa, 15ha đất trồng tràm và vườn cây ăn trái. Ông Thơi kể, năm 1979, ông lập gia đình, ra ở riêng và được cha mẹ cho 2ha đất sản xuất. Thời đó, ở vùng này, đất nhiễm phèn nặng, mùa màng thất bát, nước lũ dâng cao, nhiều người theo chương trình kinh tế mới không bám trụ nổi đã trở về quê cũ. Vợ chồng ông động viên nhau cố gắng bám trụ. Những diện tích hoang hóa ngày nào dần trở thành vùng đất sạch cỏ…nhưng phèn vẫn còn rất nặng nên trồng lúa luôn bị mất mùa. Sau khi Nhà nước triển khai hệ thống thủy lợi và giao thông, vùng đất mới phát triển đến hôm nay...

Biết chúng tôi muốn hỏi chuyện về vùng Đồng Tháp Mười, ông Võ Hồng Nhân, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, năm nay 78 tuổi, hào hứng kể: Đất nước thống nhất, nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội đã được Trung ương cũng như các địa phương đặt lên hàng đầu. Một trong tám nhiệm vụ cụ thể của tỉnh Đồng Tháp trong năm 1979 là: "Đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp, tổ chức quy hoạch phân vùng, phân bố lại lao động để khai thác vùng Đồng Tháp Mười". Giai đoạn 1976-1980, nhiều chủ trương được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đặt ra để "giải mã" vùng đất này. Các kênh đào chưa thông tuyến, nguồn nước ngọt ít, lượng phèn không được đẩy thoát, đến đầu mùa mưa, phèn dồn về một số tuyến kênh trung tâm dài hàng chục cây số, làm tôm, cá chết trắng kênh. Một số chuyên gia nông nghiệp thời bấy giờ cho rằng, vùng đất này không thể nuôi cá, trồng lúa. Giữa năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt triệu tập cán bộ lãnh đạo của ba tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang lên Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo việc khai thác Đồng Tháp Mười. Đồng chí Võ Văn Kiệt động viên lãnh đạo và nhân dân ba tỉnh phải mạnh dạn "tấn công" vào Đồng Tháp Mười, không nhất thiết phải làm theo bài bản, sách vở nào cả.

Đột phá từ thủy lợi

Hệ sinh thái của Đồng Tháp Mười là hệ sinh thái đồng ngập nước theo mùa. Thảm thực vật với các quần thể theo môi trường tự nhiên trong từng vùng như đồng cỏ năn, cỏ lác, rừng tràm nguyên sinh, những đồng sen, súng… Để khai phá Đồng Tháp Mười, các địa phương trong vùng đã hình thành các trục kinh, mương kiên cố để lợi dụng mưa rửa phèn, cải tạo đất và các điều kiện thổ nhưỡng khác, từng bước hình thành các loại cây trồng thích hợp như khóm, khoai mỡ, sau này là lúa, cây ăn trái, thu hút dần dân cư và phát triển sản xuất.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang là người trực tiếp gắn bó với việc khai phá vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ khi công tác tại ngành nông nghiệp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khang kể: "Giai đoạn 1976-1995, mở màn chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười, Tiền Giang chủ trương đào kênh Trương Văn Sanh để tháo nước, rửa phèn trồng cây, trồng lúa. Kênh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) kéo dài đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước ngày nay), dài gần 20km. Sau khi có kênh, nông trường Tân Lập, nông trường Nguyễn Văn Phùng được hình thành gắn với chương trình di dân khai hoang lập nghiệp. Sau đó, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đào kênh Hai Hạt song song, cách kênh Trương Văn Sanh khoảng 5km…Từ đó, hơn 30.000ha đất hoang hóa vùng Đồng Tháp Mười từng bước hình thành bảy nông trường, lâm trường, xí nghiệp; 10 đơn vị trạm, trại với bảy xã thuộc hai huyện Cai Lậy và Châu Thành. Cùng với chủ trương xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp, tỉnh thực hiện cơ chế giao khoán đất cho hộ nông dân canh tác, giúp giảm đáng kể diện tích đất hoang.

Đến năm 1995, Tiền Giang giao hơn 25.600ha đất cho gần 16.300 hộ khai phá, đưa vào sản xuất khoảng 18.300ha gồm khóm, mía, bàng, tràm, bạch đàn, lúa, khoai mỡ, khoai mì, rau màu thực phẩm,... Trước nhu cầu phát triển, tỉnh Tiền Giang đã đề nghị và được Trung ương chấp thuận cho thành lập huyện mới Tân Phước vào ngày 27/8/1994. Giai đoạn 1995-2005, Tiền Giang tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, xem đây là đòn bẩy để tiếp tục khai thác, phát triển vùng đất Đồng Tháp Mười.

Tại Đồng Tháp, một trong những công trình mang tính mở đầu và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là đào kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng. "Năm 1984, kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng hoàn thành, nguồn nước ngọt được dẫn từ thượng nguồn sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó", ông Võ Hồng Nhân nhớ lại.

Trung ương tiếp tục đầu tư nạo vét các kênh trục thoát lũ kết hợp đầu tư các cụm tuyến dân cư như kênh Tân Thành-Lò Gạch, sông Sở Thượng, Sở Hạ dọc biên giới Việt Nam-Campuchia; kênh An Phong-Mỹ Hòa, Đồng Tiến Lagrange, kênh Nguyễn Văn Tiếp A…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, đánh giá: "Phát triển hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười góp phần dẫn nước ngọt, tháo chua, rửa phèn, cải tạo toàn bộ 2/3 diện tích đất phèn (143.000ha); khai hoang phục hóa, chuyển vụ hơn 140.000ha lúa mùa có năng suất thấp, bấp bênh sang trồng lúa ngắn ngày, thâm canh tăng vụ để phát triển sản xuất 2-3 vụ lúa ăn chắc, năng suất và hiệu quả cao như ngày hôm nay"…

(Còn nữa)

Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng, thấp nằm giữa hạ lưu sông Mê Công, có diện tích tự nhiên gần 700.000ha, chiếm gần 18% diện tích khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thuộc địa bàn ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng của ta.