Gương sáng, việc hay

Bún riêu 5.000 đồng cho người nghèo

Quán Bún riêu cua Huyền Anh trên phố Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngày thường đã rất đông khách, thời gian gần đây lại càng tấp nập hơn bởi có thêm nhiều thực khách mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ tấm lòng nhân ái của chị Vũ Thu Huyền, chủ quán Bún riêu cua Huyền Anh, hàng trăm người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được ăn uống đủ đầy hơn và bớt đi những gánh nặng về mặt tài chính.
Nhờ tấm lòng nhân ái của chị Vũ Thu Huyền, chủ quán Bún riêu cua Huyền Anh, hàng trăm người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được ăn uống đủ đầy hơn và bớt đi những gánh nặng về mặt tài chính.

Họ là những người lao động nghèo, bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai... Khách hàng tìm tới quán ngày một đông hơn khiến cô chủ quán 9x rất vui, dù mỗi tô bún bán cho những thực khách đặc biệt này chỉ có giá 5.000 đồng.

Vô tình qua phố Trần Đại Nghĩa vào một buổi trưa cách đây một tuần, bà Phạm Thị Hảo (quê ở Bắc Giang) làm nghề thu mua phế liệu bị thu hút bởi tấm biển “Bún 5k dành cho sinh viên nghèo, người bán hàng rong và những người có hoàn cảnh khó khăn”. Phải đến lần thứ hai đi qua, bà Hảo mới dám bước chân vào quán và vui mừng khi được chủ quán mời một bát bún riêu, mà theo bà đó là bát bún ngon nhất từ trước tới nay.

Sau một thời gian, hôm nay bà quay lại cùng với “đồng nghiệp”. Bà Hảo chia sẻ: “Những người thu mua phế liệu như chúng tôi thu nhập mỗi tháng chẳng được là bao, nói gì tới việc bỏ ra mấy chục nghìn đồng ăn bát bún. Khi được ăn bát bún riêu ngon với giá 5.000 đồng thì chúng tôi thấy rất may mắn”.

Là lao động tự do ở Hà Nội với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi hai con ăn học, cho nên bà Nguyễn Thị Hương (quê ở Nghệ An) luôn phải chi tiêu dè sẻn, vì chi phí sinh hoạt ở Thủ đô khá đắt đỏ. “Đón nhận tô bún đầy đặn thơm ngon với giá 5.000 đồng, tôi thấy vui hơn vì có người vẫn quan tâm đến người lao động nghèo như chúng tôi” - bà Hương nói.

Ngoài những người lao động nghèo, quán Bún riêu cua Huyền Anh còn có những thực khách đặc biệt là bệnh nhân xóm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Anh Nguyễn Văn Huy, một bệnh nhân đã chạy thận tám năm nay cho biết, anh biết tới quán khi được chính chủ quán và nhân viên quán vào xóm thông báo.

“Bệnh nhân chạy thận lâu năm ở trong xóm như chúng em ăn uống rất dè sẻn, nhiều khi thèm những món ăn như thế này, nhưng vì phải tiết kiệm nên hầu như chỉ ăn cơm từ thiện và cơm tự nấu tại nhà. Được biết có quán bún 5.000 đồng mà đầy đủ dinh dưỡng, ai nấy đều phấn khởi. Bát bún ở đây rất đầy đặn và ngon” - anh Huy nói.

Mỗi ngày, từ 11 giờ 30 phút tới 12 giờ 30 phút, quán bún riêu này thu hút đông khách. Đông nhất vào những ngày lẻ, vì bệnh nhân chạy thận sẽ ghé quán nhiều hơn.

Chị Vũ Thu Huyền (sinh năm 1992), chủ quán cho biết: Ý tưởng về một quán bún giá rẻ cho người lao động nghèo được chị ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện cho tới khi có cơ sở tại số 245 phố Trần Đại Nghĩa. “Hằng ngày, chứng kiến những người bán hàng rong, bệnh nhân chạy thận đi lại qua cửa hàng mà không dám ghé vào ăn, mấy chị em đã nảy ra ý tưởng bán những suất ăn với giá rẻ cho họ.

Mỗi suất bún có giá từ 30.000 đến 35.000 đồng, nhưng tôi bán 5.000 để người khó khăn không bị mặc cảm vì được cho và không dám ra ăn nhiều. Để có kinh phí thực hiện những bát bún 5.000 đồng, tôi trích một phần lợi nhuận từ hoạt động của quán, cùng với thu nhập cá nhân” - cô chủ trẻ cho biết thêm.

Mỗi ngày, quán của chị Huyền duy trì, đều đặn khoảng 200 suất bún với giá 5.000 đồng. Tuy thế nhưng chất lượng không thua kém bát bún được bán cho các thực khách khác, thậm chí còn đầy đặn hơn, giúp những người lao động nghèo thêm ấm lòng.

Đến nay, sau một tháng thực hiện, những suất bún vẫn được duy trì và cô gái trẻ không có ý định kêu gọi ủng hộ hay quyên góp từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Nhờ tấm lòng nhân ái của chị Huyền, đều đặn mỗi ngày, hàng trăm người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được ăn uống đủ đầy hơn và bớt đi những gánh nặng về mặt tài chính.

“Ban đầu, tôi chỉ định bán suất bún 5.000 đồng cho những người khó khăn vào ngày mồng 1 hằng tháng, nhưng việc duy trì bán hằng ngày tạo thêm nhiều cơ hội cho nhiều người được tiếp cận hơn.

Khi tới quán, những thực khách đặc biệt này sẽ được các nhân viên cửa hàng trò chuyện, thăm hỏi hoàn cảnh, sau đó sẽ phát phiếu. Đôi khi cũng có một số trường hợp nào đấy chia sẻ không đúng, nhưng cũng không sao” - Huyền nói và cho biết, cô chỉ muốn nhìn thấy sự phấn khởi, vui vẻ của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài duy trì các suất bún 5.000 đồng, Huyền còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như: phát gạo cho người nghèo, tặng suất ăn cho bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Cô chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy, mình không cần tính toán lời lãi, chỉ cần làm việc thiện để cho đi và nhận lại nụ cười, thế là mình thấy hạnh phúc rồi”.

Hiện bên cạnh những bát bún 5.000 đồng, quán Bún riêu cua Huyền Anh vẫn bán với giá bình thường cho các đối tượng khách hàng khác như người dân lao động bình thường, nhân viên văn phòng,..