Hải Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2024. Bản thân Hải Anh cũng là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Gia đình phát hiện cô gái trẻ mắc căn bệnh đục thủy tinh thể khi mới một tháng tuổi.
“Gia đình nuôi hy vọng tìm lại ánh sáng cho em với các cuộc phẫu thuật mổ mắt, nhưng may mắn đã không mỉm cười. Mọi việc tồi tệ hơn khi bác sĩ tiếp tục phát hiện ra căn bệnh teo nhãn cầu, đồng nghĩa với việc em mất hoàn toàn thị giác”, Hải Anh kể.
Thương đứa con gái nhỏ, mẹ đồng hành cùng Hải Anh, dạy cho cô gái trẻ từ những điều nhỏ nhất như cầm đũa, cầm thìa hay cầm dao gọt hoa quả. Nhiều lần cô bị đứt tay do dao cứa, nhưng mẹ cô luôn để cô phải tự tìm cách băng vết thương của mình. Mẹ Hải Anh cho rằng sẽ chẳng ở bên cô mãi, nên cách tốt nhất là phải tập cho cô tự đứng, đi trên đôi chân của mình.
Tuổi thơ của Hải Anh làm bạn với chiếc đài nhỏ và lắng nghe âm thanh cuộc sống bằng tất cả các giác quan của mình. “Ngày mà em nhận ra hướng đi của mình chính là hôm em nghe được tiếng phát thanh viên trên sóng radio. Tiếng nói truyền cảm như dẫn dắt, thôi thúc ý chí của em phải tìm hiểu, học tập và trở thành một phát thanh viên” - Hải Anh chia sẻ. Từ đây, Hải Anh quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà truyền thông.
Với cô gái trẻ, truyền thông, nghề báo chính là cầu nối để kết nối mọi người với nhau, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa đi định kiến về người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Năm 2023, Hải Anh được tuyển thẳng vào ba trường đại học. Cô gái trẻ đã lựa chọn Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Là người khiếm thị nên Hải Anh luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường.
Để lo cho gia đình và bản thân, cô gái trẻ làm thêm nhiều công việc khác nhau như gỡ băng cho các trung tâm nghiên cứu, xoa bóp bấm huyệt, làm người dẫn chương trình... Khó khăn là thế nhưng không chỉ học tập tốt, Hải Anh tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng. Trong đó, cô gái trẻ đã hoàn thành dự án “Hành chính công trực tuyến cho người khuyết tật”.
Đây là lần đầu có chương trình hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận dịch vụ hành chính công trực tuyến thông qua các lớp tập huấn và tài liệu hướng dẫn chuyên biệt. Dự án còn tích hợp các hoạt động hội thảo, nghiên cứu và cuộc thi sáng tạo để phát huy tiếng nói và ý tưởng của người khuyết tật.
Dự án hỗ trợ 60 người khuyết tật trực tiếp qua các lớp tập huấn. Bên cạnh đó, Hải Anh nghiên cứu và đề xuất cải thiện hệ thống dịch vụ hành chính công; phát hành tài liệu tiếp cận rộng rãi trên toàn quốc, giúp nhiều người khuyết tật chủ động hơn trong việc sử dụng công nghệ và dịch vụ công.
Hải Anh cũng là người trực tiếp biên soạn và sản xuất học liệu tiếng Anh dành riêng cho trẻ em khiếm thị, giúp các em dễ dàng tiếp cận tri thức và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ. Từ hoạt động này hơn 50 trẻ khiếm thị được hỗ trợ tiếp cận giáo dục hiện đại và tự tin học ngoại ngữ.
Khao khát cống hiến cho cộng đồng giúp Hải Anh có thêm năng lượng tích cực tham gia dự án “Đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị”. Điểm mới và sáng tạo chính là lần đầu triển khai chương trình dạy nấu ăn dành riêng cho người khiếm thị áp dụng các phương pháp đào tạo đặc biệt giúp họ tự lập hơn trong đời sống hằng ngày.
Hải Anh cho biết: “Sinh mệnh và thân thể là do bố mẹ trao tặng, tri thức là do sự dìu dắt của thầy, cô giáo, nhưng cuộc sống là của mình và không ai có thể sống thay mình. Mỗi người đều có giới hạn riêng, nhưng cần có đủ can đảm và kiên trì để vượt qua. Em muốn sống như loài hoa đá, dẫu khó khăn vẫn mang trái ngọt cho đời”, Hải Anh tâm sự.