Tại nhà máy ở Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), công nhân Công ty cổ phần Dh Foods chuyên sản xuất các loại gia vị khẩn trương hoàn thành hai container gia vị để chuẩn bị xuất khẩu sang Pháp trong tháng 8.
Trước đó, doanh nghiệp đã xuất khẩu bốn container muối sang thị trường Nhật Bản vào tháng 7 vừa qua. Các khách hàng ở Hà Lan, Séc, Pháp... cũng đã lên đơn hàng với doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dh Foods Nguyễn Trung Dũng cho biết: Trong năm 2023, doanh nghiệp đã tham gia nhiều triển lãm quốc tế như Natural Product Food Expo West 2023 tại Mỹ, Sial Shanghai 2023 tại Trung Quốc, Thaifex Anuga 2023 tại Thái Lan, triển lãm Seoul Food 2023 tại Hàn Quốc... và đã “chốt” kha khá đơn hàng mới.
Theo ông Dũng, chào hàng ở các triển lãm, hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp gặp được người thu mua vào hệ thống các siêu thị, nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp phải cho họ thấy được giá trị mà họ đang tìm kiếm.
Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ về từng thị trường; từ đó, mang theo những sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ đi cùng phải tương đối đông đủ và có người đưa ra các quyết định quan trọng.
“Hai năm vừa qua là thời gian khó khăn đối với doanh nghiệp, việc tham gia triển lãm quốc tế đã giúp Dh Foods tiếp cận được với thị trường lớn và mới. Mỗi triển lãm đều đem lại một tệp khách hàng riêng cùng với đó là nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nhờ vậy, chúng tôi không bị đứt đơn hàng, tín hiệu khởi sắc đang dần rõ nét hơn trong nửa cuối năm nay”, ông Dũng chia sẻ.
Trở về từ Hội chợ cà-phê lớn trên thế giới World of Coffee Athens 2023 vừa diễn ra ở thành phố Athens (Hy Lạp) vào cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, Phan Minh Thông cho biết: Đã chốt được đơn hàng trị giá 50.000 USD với một khách hàng tại ngay gian hàng.
Doanh nghiệp Hy Lạp này tiếp tục nối dài danh sách khách hàng ở thị trường khu vực châu Âu của tập đoàn cà-phê và tiêu hàng đầu Việt Nam này. Trước đó, doanh nghiệp này cũng bội thu đơn hàng từ các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành ở các nước và khu vực trong nửa đầu năm 2023. Nhờ đó, Phúc Sinh có thêm một loạt khách hàng và thị trường mới như ở Manta, Na Uy, Colombia, Saudi Arabia...
Đây chính là bệ phóng để doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2022, trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có hoặc giảm mạnh đơn hàng. Cũng tìm kiếm được nhiều đơn hàng từ các hội chợ, triển lãm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Dừa nước Việt Nam Phan Minh Tiến chia sẻ: Đã kết nối được với khá nhiều đơn vị nhập khẩu, phân phối tiềm năng và đang trao đổi cơ hội hợp tác.
“Việc tham gia những hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp tiếp cận được với các khách hàng mới, nhất là trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh do khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay. Đồng thời, chúng tôi cũng cập nhật, nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để điều chỉnh, phát triển sản phẩm phù hợp”, ông Tiến nhìn nhận.
Chủ tịch Hội nhựa-cao-su Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Anh cho rằng: Để doanh nghiệp có thêm thị trường, đơn hàng... đòi hỏi họ phải đi nhiều hơn, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, tìm cách chinh phục khách hàng.
“Phải bán cái thị trường cần, không ngừng sáng tạo đổi mới sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng nếu muốn tham gia vào thị trường thế giới”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Hiệu quả từ Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu lần đầu tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2023, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Dịch vụ Xuất, nhập khẩu Vina T&T bội thu với hai hợp đồng ký kết với khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Mỹ; Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây cũng ký kết với khách hàng Hàn Quốc và Mỹ để xuất khẩu thực phẩm chế biến sang các thị trường này.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm được cơ hội bán hàng cho khách hàng quốc tế lẫn trong nước ngay tại sự kiện.
Là đơn vị tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại lớn ở nước ngoài, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) Vũ Kim Hạnh nhận định: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp không thụ động ngồi chờ mà chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài với tinh thần nỗ lực và sáng tạo.
“Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ Thaifex 2023 năm nay không chỉ nắm bắt xu hướng thị trường qua việc giới thiệu các mặt hàng có lợi cho sức khỏe mà đã chú trọng nhiều hơn đến hình thức sản phẩm vốn rất được quan tâm tại hội chợ”, bà Kim Hạnh cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, tình hình thế giới đã có một số dấu hiệu hồi phục tích cực so với các năm trước.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tại nhiều lĩnh vực, ngành hàng quý I và quý II vẫn rất khó khăn do những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bất ổn địa chính trị, khủng hoảng tài chính toàn cầu, áp lực lạm phát, tiêu dùng giảm sút, chi phí chế biến, logistics ngày càng tăng... Do đó, các diễn đàn, hội chợ là dịp gặp gỡ, kết nối các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu với các nhà phân phối, các tổ chức quốc tế...
Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, Lê Huỳnh Minh Tú cho rằng: Trong lúc xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp chú tâm quay về xúc tiến tiêu thụ, kích cầu thị trường nội địa.
“Sáu tháng cuối năm là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường. Sở Công thương đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Trong đó, bao gồm các hoạt động kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, chương trình khuyến mãi tập trung, chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố...”, ông Tú nói.